Quản Bạ chú trọng nâng cao chất lượng mật ong
BHG - Huyện Quản Bạ có trên 3.500 đàn ong, với lợi thế nơi có hoa Bạc hà, các loại hoa rừng và cây dược liệu, rất thích hợp cho nghề nuôi ong phát triển; những năm gần đây, nghề nuôi ong đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, con ong đã giúp các hộ dân vùng cao từng bước làm giàu. Nghề nuôi ong đã có từ lâu đời ở Quản Bạ, tuy nhiên trước đây người dân nuôi với quy mô nhỏ, lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình. Mấy năm trở lại đây, nghề nuôi ong ngày càng phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
![]() |
HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân đầu tư dây chuyền hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Mật ong dược liệu Thanh Vân, xã Thanh Vân, do anh Tráng Thìn Lù làm Giám đốc, được biết: “HTX thành lập từ đầu năm 2017, có 10 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng. HTX đã đầu tư mua máy lọc, đăng ký nhãn mác, sản xuất ra sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh. Hiện HTX có nhiều loại sản phẩm như: Mật ong Bạc hà giá 500 nghìn đồng/lít; mật ong dược liệu giá 400 nghìn đồng/lít; mật ong hoa rừng giá 300 nghìn đồng/lít”. Anh Lù chia sẻ, khi chưa tham gia HTX, nhà tôi đã nuôi ong, nhưng quy mô nhỏ, từ 20 – 30 đàn. Từ năm 2013, mật ong được giá, tôi mở rộng quy mô lên 100 đàn, năm ngoái quay được hơn 1 nghìn lít mật, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, mở rộng quy mô lên 300 đàn, ước tính thu khoảng 200 lít mật/một vòng quay.
Anh Lù khẳng định, muốn nghề nuôi ong phát triển lâu dài, cần phải tham gia vào HTX, như vậy mới đủ tiêu chí xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, quy trình chọn mật nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Thị trường đã thay đổi nên không thể tiếp tục bán mật ong theo kiểu nhỏ, lẻ, rót vào từng chai không có nhãn mác như trước kia nữa. Hiện nay, ở huyện có 2 cơ sở sản xuất mật ong gồm HTX Dược liệu Thanh Long và HTX Mật ong rừng tự nhiên Thanh Vân. Các HTX đã đầu tư dây chuyền hạ thủy phần, mua sắm và lắp ráp các trang thiết bị phục vụ sản xuất. Với mô hình này, các hội viên có cơ hội trao đổi, hướng dẫn, giúp nhau về kỹ thuật, cách nhân giống, phát hiện bệnh dịch, bảo quản mật ong; HTX còn đứng ra thống nhất về giá thành và đầu ra sản phẩm.
Cũng nhận thấy lợi ích từ nuôi ong lấy mật, anh Lê Trung Kiên, xã Quyết Tiến mới đầu tư, phát triển 300 đàn ong. Dù mới nuôi, nhưng anh đã quay và bán được số lượng mật ong lớn, anh còn tham gia vào Hội thi nuôi ong toàn tỉnh và giành giải Ba. Anh Kiên chia sẻ, chúng tôi nuôi ong và bán 3 loại mật chính theo các mùa hoa ở địa phương như mật ong Bạc hà, mật ong dược liệu và mật ong hoa rừng. Trong đó, mật ong Bạc hà có chất lượng tốt nhất, mật ngọt mát, mùi thơm đặc trưng, màu vàng đậm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, tỉnh ta đã thành lập Hiệp hội nuôi ong và các HTX nên rất thuận lợi cho việc phát triển đàn ong. Tuy nhiên, người nuôi ong cần được đào tạo để nắm vững kỹ thuật, từ đó tăng giá trị của sản phẩm mật ong.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc