Nuôi gà hàng hóa theo quy mô gia trại ở Quản Bạ
BHG - Nhằm mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất chăn nuôi; thời gian qua, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ nông dân phát triển các gia trại, trạng trại chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên.
Hiện, trên địa bàn huyện có đàn gia cầm trên 196.000 con. Để thực hiện việc chăn nuôi theo quy mô hàng hóa, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận, áp dụng KHKT vào sản xuất, huyện Quản Bạ đã có những cơ chế hỗ trợ từ nguồn ngân sách để khuyến khích người dân phát triển sản xuất. Bắt đầu phát triển nuôi gà quy mô lớn từ một vài năm gần đây, đến nay, đã có 7 mô hình chăn nuôi gà từ 1.000 con trở lên ở thị trấn Tam Sơn, xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Đông Hà, Thanh Vân. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn, Viên Tiến Hưng cho biết, tại thị trấn có 2 hộ đăng ký nuôi gà quy mô gia trại là hộ chị Chu Thị Chiên và anh Hà Ngọc Dân. Các hộ được hỗ trợ theo Nghị quyết 32 của huyện, mỗi hộ là 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống; sau 2 năm, các hộ phải hoàn trả lại 70% số tiền hỗ trợ và được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trang trại gà của hộ anh Hà Ngọc Dân ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). |
Nhờ có cơ chế khuyến khích của huyện, người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gà hàng hóa. Đến thăm hộ anh Hà Ngọc Dân, ở thị trấn Tam Sơn, một hộ chăn nuôi gà có hiệu quả kinh tế cao. Anh Dân cho biết: “Nhờ huyện vận động, tôi đã đi tìm hiểu cách xây chuồng trại và chăn nuôi gà quy mô lớn qua sách, báo, mạng Internet. Đồng thời, bỏ tiền ra xây 2 chuồng gà, một chuồng nuôi gà thịt chờ bán, một chuồng cho lứa gà nhỡ và ủ gà con; mua 2 máy ấp trứng với số lượng 200 và 250 quả, tất cả chi phí hết khoảng 100 triệu đồng. Sau khi bán một vài lứa gà thấy hiệu quả, lãi khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, tôi đã chủ động sản xuất con giống, phục vụ cho chăn nuôi của gia đình và bán cho bà con quanh vùng”. Theo anh Dân, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng, chống dịch bệnh thường xuyên; nhất là lúc giao thời giữa lứa cũ và lứa mới, sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại. Các hộ chăn nuôi có thể trồng thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho gà. Cách chăn nuôi mới này đã có tác động trực tiếp đến việc thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của người dân, lấy nhu cầu tiêu thụ của thị trường để tìm hướng đi cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Giống như anh Dân, sau hơn một năm chăn nuôi gà, đàn gà của anh Vùi Văn Nguyên ở xã Đông Hà phát triển nhanh chóng, được người tiêu dùng biết tới và cho anh nguồn thu nhập khá. Nhận thấy một số hộ nuôi gà cho lãi suất cao, anh quyết định đầu tư hơn 20 triệu đồng để nâng cấp chuồng trại, rào vườn trên diện tích hơn 1 ha sẵn có, làm chuồng bằng lưới sắt, lợp mái prô xi-măng, chia làm 4 ngăn chuồng riêng cho các lứa gà khác nhau. Riêng gà nuôi thịt thì chăn nuôi theo kiểu thả vườn trong diện tích 1 ha, cho ăn ngô, thóc và cám. Theo cách tính của anh Nguyên, hàng tháng trừ tiền thức ăn cho gà là khoảng 300 kg cám, ngô, thóc và tiêm phòng; trung bình anh có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Việc phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn không chỉ nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn về dịch bệnh và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, mà còn giúp cho người dân địa phương tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.
Ngoài hỗ trợ về cơ chế, chính sách, Trạm Khuyến nông huyện còn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT về việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho các hộ dân. Qua đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ chuồng trại, giống, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải... để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc