Nguyễn Đình Tương phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá sạch
BHG - Xã Du Già (Yên Minh) có nguồn nước quanh năm từ các sông, suối khá dồi dào. Đây là một lợi thế rất lớn đối với người nông dân muốn phát triển kinh tế theo hướng nuôi, trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế trên, cùng với việc kết hợp tìm hiểu về đặc tính của các loài cá, anh Nguyễn Đình Tương, sống tại làng Khác A, xã Du Già đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá sạch, thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ao nuôi cá của gia đình anh Tương. |
Anh Tương bắt đầu nuôi cá gần 3 năm nay, với các loại cá: Chép, Bỗng và Trắm. Anh cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích ao đều là ruộng, gia đình chỉ biết trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy ở đây có thể chủ động về nguồn nước, nên tôi thuê người đào ao và đi tìm hiểu thêm về cách nuôi cá. Tôi cũng xác định nuôi cá sạch để cung cấp ra thị trường, vì hiện nay cá nuôi bằng thức ăn chăn nuôi như cám,... cá lớn nhanh nhưng thịt kém ngon”. Để đảm bảo nguồn cá sạch, anh Tương luôn đảm bảo nguồn thức ăn sạch, chủ yếu là cỏ, bỗng rượu và cám gạo. Mỗi khi thu hoạch cá, nhiều thương lái và các nhà hàng đã đến tận nhà để mua. Được biết, đối với cá Chép và Trắm, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 lứa, mỗi con có trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg bán với giá trên 120 nghìn đồng/1kg. Còn cá Bỗng nuôi trong thời gian 1 năm sẽ đạt trọng lượng khoảng 2 - 3 kg, với giá bán khoảng 500 nghìn đồng/1kg. Với diện tích mặt nước trên 2.000m2, mỗi năm anh có thể thu về khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán cá. Ngoài nuôi cá, anh Tương còn nuôi 3 con bò sinh sản và hơn 10 con lợn thương phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Hiện tại, anh Tương mới thả thêm gần 10 triệu đồng cá Bỗng giống và 10 kg cá Trắm. Riêng cá Chép, gia đình anh tự ươm được và có thể bán cho nhiều hộ nuôi cá khác với giá 300 nghìn đồng/1kg. Hiện, Anh đang đào thêm một ao mới có diện tích tương đương với ao cũ của gia đình và ngăn thành các khu nuôi cá riêng biệt để năng suất cao hơn. Anh Tương chia sẻ thêm: “Hiện nay, xã còn khó khăn nên hạn việc hỗ trợ cho người dân là rất hạn chế. Thời gian tới, khi mở rộng diện tích ao thả cá, tôi cũng mong muốn được hỗ trợ vay vốn đề mua cá giống, nhất là đối với giống cá Bỗng, bởi giá thành cá giống khá cao”.
Anh Nguyễn Văn Thưởng, Phó Bí thư Đoàn xã Du Già cho biết: “Mô hình nuôi cá của anh Tương được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả và được nhiều thanh niên, nhất là các thanh niên khởi nghiệp học tập theo. Hiện tại, Đoàn xã cũng đã giúp đỡ hộ anh Tương có thể tạo các mối liên kết với các nhà hàng, các thương lái để tạo đầu ra ổn định hơn và sẽ tạo điều kiện cho anh đi tập huấn, tham gia các chương trình có liên quan đến nghề nuôi cá khi được tổ chức trên địa bàn xã, huyện”.
Nghề nuôi cá là một hình thức làm kinh tế tận dụng được lợi thế của địa phương, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho các hộ trên vùng đất Khác A. Mong muốn sẽ có nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp và chính quyền địa phương để người dân nơi đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
MY LÝ
Ý kiến bạn đọc