Huyện Xín Mần Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
BHG - Trong những năm qua kinh tế tập thể của huyện Xín Mần đã có sự phát triển rất tích cực cả về quy mô, chất lượng hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về mặt kinh tế và xã hội, nhờ đó đã có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cơ sở chế biến chè của HTX Tuấn Băng |
Hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số 38 Hợp tác xã (HTX). Trong đó có 32 HTX đang hoạt động, 6 HTX ngừng hoạt động và chuẩn bị giải thể, trong số các HTX đang hoạt động có 12 HTX nông lâm nghiệp, 20 HTX phi nông nghiệp. Các HTX được duy trì và có những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Sau khi tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, bước đầu các HTX đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, công tác chuyển đổi đã khắc phục những tồn tại, yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động, nhiều HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện và khả năng của HTX, có định hướng hoạt động cụ thể mang tính lâu dài. Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp các HTX đã làm tốt khâu tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng và các dịch vụ khác ngày càng đa dạng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, từ đó giảm bớt những khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho các hộ thành viên. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp các HTX đã tiếp cận các chương trình mục tiêu của huyện, thực hiện các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn như cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, thu hút được số đông thành viên tham gia, giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho thành viên. Điển hình có HTX Huyền An, HTX Tuấn Băng, HTX Hoàng Hà có số vốn kinh doanh tương đối cao, đa dạng ngành nghề gồm giao thông, xây dựng, vận tải, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại tổng hợp, chế biến chè... Bên cạnh các HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các tổ hợp tác cũng được phát triển, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, các Tổ hợp tác, các tổ sản xuất cũng tham gia vào xây dựng kế hoạch phát triển thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tu sửa, bảo vệ các công trình phúc lợi chung của thôn, xã, trên địa bàn huyện khẳng định vai trò, chức năng của mình trong phát triển kinh tế nông thôn.
HTX Tiến Mây đầu tư vườn ươm cây thông Ba lá đảm bảo nguồn giống cho bà con trồng rừng |
Để có được kết quả nêu trên, ngay sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực UBND huyện đã tích cực công tác tham mưu cho Huyện ủy, phối hợp triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ khâu tuyên truyền đến phương thức tổ chức hoạt động của các HTX. Trong năm 2017 Ban thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể huyện Xín Mần, hướng dẫn chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, Nghị định 193 - NĐ/CP cho các HTX trên địa bàn huyện, khuyến khích thành lập nhân rộng mô hình HTX thôn Chang (HTX toàn thôn), phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tập huấn bồi dưỡng, cung cấp thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ HTX để trao đổi, thảo luận trang bị những kiến thức, xây dựng chiến lược kinh doanh, quản lý, các mô hình liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh các kết quả đã đạt được hoạt động của một số HTX vẫn còn những tồn tại như: Tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người dân khi tham gia vào HTX, bà con chưa thực sự mạnh dạn trong việc đầu tư, góp vốn cho nên các HTX vẫn còn khó khăn về vốn hoạt động, chưa tiếp cận được nhiều với các tổ chức tín dụng hay các nguồn vốn ưu đãi, thiếu thông tin về các chính sách tín dụng, khó khăn về tài sản thế chấp, nhiều HTX không có trụ sở, hiệu quả hoạt động kinh doanh còn thấp, khả năng đóng góp cho ngân sách còn ít, việc khai thác và và phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương chưa được nhiều, phương án sản xuất kinh doanh chưa có tính khả thi, có HTX hoạt động mang tính hình thức nên không phát huy được tinh thần trách nhiệm của thành viên khi tham gia HTX.
Trong thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, nâng cao vai trò quản lý nhà nước nhằm tiếp tục đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp tục tuyên truyền vận động thành lập các HTX, tập trung củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có đảm bảo các quy định của Luật HTX, hướng cho các HTX, Tổ hợp tác phát triển cây mũi nhọn của địa phương có giá trị kinh tế cao như Gạo Già dui, gạo nếp Quảng Nguyên, (xây dựng thương hiệu Quốc gia, có chỉ dẫn địa lý), tiếp tục phát triển cây chè Shan tuyết, cây thảo quả, mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi gia súc, xây dựng tổ hợp tác dịch vụ nông lâm nghiệp thôn bản, phấn đấu thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX đạt 35 triệu đồng/người/năm. Trú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ HTX, lựa chọn các mô hình điển hình tiên tiến để nhân rộng. Phát triển KTTT phải xuất phát tự nhu cầu thực tế, phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, đi từ thấp đến cao đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức gò ép và buông lỏng quản lý.
Bài, ảnh: Lan Hương
Ý kiến bạn đọc