Hồi sinh thảo quả Cao Bồ
BHG - Tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), Thảo quả được xác định là một trong những cây mũi nhọn phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, toàn bộ diện tích Thảo quả của xã bị băng giá làm tàn lụi, tưởng không thể cứu vãn. Nhưng sau gần 2 năm, trên 60% diện tích Thảo quả đã kiên cường vực dậy trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Đặng Văn Chung, chúng tôi ngược đỉnh Tây Côn Lĩnh, nơi được mệnh danh “vương quốc” Thảo quả. Qua con đường nhựa, đường bê-tông 7 km, uốn lượn bên dòng suối Má, chúng tôi đến thôn Lùng Tao, nằm nép mình dưới chân dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Hành trình vượt núi bắt đầu với con đường mòn, nhiều đoạn chỉ vừa lốp xe ngoằn nghèo, trơn trượt xuyên qua những tán chè cổ thụ, rừng nguyên sinh và những vạt Thảo quả xanh mướt. Trong cái lạnh đầu Đông, cái buốt giá của rừng thẳm, nhưng ai nấy đều toát mồ hôi, những chiếc xe máy liên tục thốc ga, gằn số 1, số 2 mới qua được những con dốc tức. Cứ thế, đoàn người nâng dần độ cao, miệt mài, kiên nhẫn leo từng con dốc. Sau 3 tiếng đồ hồ bò bằng xe máy, chúng tôi leo bộ thêm 30 phút thì đến lán Thảo quả của ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã ở độ cao 1.965 mét so với mực nước biển.
Thu hoạch Thảo quả trên độ cao gần 2.000 mét. |
Đồng chí Đặng Văn Chung cho biết: Tháng 2 năm ngoái, cũng tại đây, khung cảnh không nên thơ như thế này, mà tang thương đau xót lắm. Cả một vùng Thảo quả mênh mông bị ngã rạp, trắng phau do giá rét; rừng cây cổ thụ kia cũng úa lá; người trồng Thảo quả ngơ ngác, buồn bã… Không ngờ, cây Thảo quả có sức sống mãnh liệt đến vậy, sau hai năm lại hồi sinh, xanh mướt và đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Ông Đặng Văn Minh, nét mặt đăm chiêu như nhớ lại ngày hơn 3 ha Thảo quả của gia đình gục ngã trước giá rét. Ông cho biết, trước thiệt hại trên, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Gia đình ông Minh trồng Thảo quả từ năm 2003, loài cây này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đợt rét qua đi, mọi người trong gia định mừng rơi nước mắt khi 50% diện tích Thảo quả được phục hồi. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước được đầu tư mua cây giống, trồng dặm trên diện tích còn lại.
Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Chung kiểm tra năng suất Thảo quả. Ảnh: GIA BẪO |
Lò sấy Thảo quả tại chỗ của gia đình anh Đặng Văn Thái. Ảnh: AN DƯƠNG |
Rời điểm dừng chân tại lán của anh Đặng Văn Minh, chúng tôi tiếp tục luồn rừng, ngược dốc lên khu vực lán sấy Thảo quả của gia đình anh Đặng Văn Thái. Đang mùa thu hoạch, nên gia đình nào cũng dựng lán, đào lò, bố trí nhân công thu hái, sơ chế Thảo quả tại chỗ. Anh Thái cho biết, gia đình anh có trên 6 ha, trước đây 1 ha cho thu hoạch khoảng 8 tạ đến 1 tấn quả tươi, nhưng vụ này chỉ được trên, dưới 1 tạ/ha. Năng suất Thảo thấp do cây mới phục hồi sau đợt rét hại. Hiện nay, giá Thảo quả đang rất cao so với mọi năm, 1 kg quả tươi có giá bán từ 90 nghìn đồng và 300 - 350 nghìn đồng/kg quả khô.
Xã Cao Bồ hiện có 630 ha Thảo quả, được trồng tại 7 thôn. Sau đợt rét năm 2016, xã đã vận động nhân dân dân trồng dặm 20 ha, số còn lại cây tự phục hồi. Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết thêm: Cây Thảo quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng dưới tán rừng Tây Côn Lĩnh, có sức sống mãnh liệt, thời gian phục hồi chỉ từ 1,5 đến 2 năm. Thảo quả đã thực sự góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho các hộ dân. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển Thảo quả một cách bền vững, xã cũng gắn trách nhiệm bảo vệ rừng cho mỗi hộ dân nên rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh không bị xâm hại.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc