Lũng Xùa – những cây chè Shan tuyết cổ thụ đang dần bị lãng quên
BHG - Xóm Lũng Xùa, thôn Ngài Sảng B, xã Du Già (Yên Minh) nằm sâu trong các dãy núi đá trùng điệp. Từ trung tâm xã Du Già, muốn đến Lũng Xùa, những tay lái “cứng” nhất cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ đi xe máy. Đường giao thông đi lại không thuận lợi nên người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến các sản phẩm thành hàng hóa đem bán mỗi khi đến phiên chợ. Có lẽ vì thế, khoảng 70 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở đây đã và đang bị lãng quên.
Những cây chè cổ thụ ở Lũng Xùa một vòng tay người đàn ông trưởng thành ôm không hết. |
Đứng từ trụ sở xã Du Già, đồng chí Hoàng Văn Trường, Chủ tịch UBND xã chỉ tay về phía những ngọn núi, tôi cố nheo mắt mãi mới nhìn thấy mờ mờ, nói: Sau những dãy núi gần như cao nhất xã kia là xóm Lũng Xùa. Người dân ở đó vất vả lắm, phải đến nơi mới hiểu cái khó, cái khổ của bà con.
Một ngày giữa tháng 9, nhờ sự dẫn đường của Chủ tịch UBND xã Du Già, tôi đã đến Lũng Xùa. Quãng đường từ trung tâm xã Du Già tới Lũng Xùa dài trên 10km, nhưng chỉ khoảng 1km đường nhựa. Men theo con đường đất, đá uốn lượn bên sườn núi mỗi lúc một cao, như tới tận “cổng trời”, dù đã lường trước quãng đường khó đi, mỗi người chúng tôi đi một xe, nhưng rất nhiều đoạn phải vừa đẩy, vừa ga mạnh mới qua những con dốc lởm chởm đá. Nhiều người dân đi làm gặp chúng tôi cười nói: Đi bộ còn nhanh hơn! Sau gần 2 giờ đồng hồ vượt qua nhiều dãy núi, chúng tôi cũng nhìn thấy những nóc nhà đầu tiên của xóm Lũng Xùa dưới một thung lũng thoai thoải.
Xóm Lũng Xùa có 34 hộ, 100% người Mông. Theo rà soát hộ nghèo, cận nghèo của xã Du Già năm 2016, cả xóm có 25 hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu xét chi tiết mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin... thì chắc chắn 100% dân số ở Lũng Xùa thuộc hộ nghèo. Với tập quán lâu đời của người Mông, thường chọn những nơi cao sinh sống, nên ở đây không thể trồng lúa bởi thiếu nước. Cây trồng chủ yếu của người dân Lũng Xùa là ngô và đậu tương. Nhưng, gây sự chú ý của tôi lại là những cây chè Shan tuyết cổ thụ, đường kính thân cỡ một vòng tay người đàn ông trưởng thành ôm không hết.
Anh Vàng Trống Nu, 30 tuổi cho biết: “Khi tôi sinh ra đã thấy những cây chè này. Mấy chục năm rồi nhưng chẳng phát triển thêm. Nghe kể rằng, từ khi các cụ di cư về đây đã bắt đầu trồng chè. Tính đến đời tôi cũng đã qua 5 – 6 thế hệ”. Anh Nu cho biết thêm: Hồi trước chè ở đây còn nhiều, nhưng do các hộ không thu hái thường xuyên, lại chế biến theo cách thủ công, dễ bị cháy và không đều, không ngon, mỗi lần mang xuống chợ bán chẳng được bao nhiêu tiền, vì vậy nguời dân chặt dần. Giờ cả xóm chắc chỉ còn khoảng 70 cây chè cổ thụ.
Không giống như những cây chè cổ thụ ở Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên) hay Túng Sán, Nậm Ty (Hoàng Su Phì) được người dân quan tâm, thu hái nên tán rộng, cành to, dễ dàng đứng trên cành cây để hái chè. Những cây chè ở Lũng Xùa không phát triển tán rộng mà vươn cao, lá xum xuê như những cây sấu, cây mít... Cô Quyên, giáo viên mầm non điểm trường của xóm cho biết: Tôi dạy học ở đây được hơn 1 năm, nhưng cũng không thấy người dân Lũng Xùa hái chè bán, họ cũng không quan tâm đến những cây chè này, chỉ thỉnh thoảng thấy hái lá về pha trà xanh uống thôi.
Hiện nay, người dân Lũng Xùa phát triển kinh tế chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi gia súc; cây ngô, cây đậu tương chỉ đảm bảo lương thực cho các hộ ăn và chăn nuôi trong năm. Tuy nhiên, theo thống kê của xã Du Già, toàn xóm Lũng Xùa chỉ có 33 con bò, tính trung bình mỗi hộ chưa có đến 1 con. Như vậy, nếu người dân nơi đây muốn thoát nghèo, chắc chắn phải hướng đến phát triển chăn nuôi hàng hóa và tìm kiếm thêm nguồn thu nhập từ các loại cây, con khác như những cây chè Shan tuyết cổ thụ đang “ngủ quên”. Bởi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, chè được chế biến từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ có giá bán lên đến cả triệu đồng/kg. Dù ở Lũng Xùa, số lượng cây chè cổ thụ không nhiều, nhưng nếu biết chăm sóc, thu hái, chế biến thành một loại trà đặc biệt, có thể trở thành sản phẩm đặc sản của xóm, cho người dân thêm thu nhập, cùng với phát triển việc chăn nuôi gia súc sẽ rút ngắn thời gian thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Bài, ảnh: Lương Hà
Ý kiến bạn đọc