Khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia APEC

09:50, 08/11/2017

Chiều 6/11, phiên họp thứ 4 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã bế mạc, với việc thống nhất thành lập thêm một nhóm công tác nghiên cứu về công nghệ số. Nhóm này sẽ đi vào hoạt động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế từ APEC 2018, dự kiến diễn ra tại Papua New Guinea.

Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ABAC Việt Nam, cho biết các thành viên ABAC đã cùng nhau xây dựng lộ trình để hội nhập sâu hơn trong khu vực, bỏ hàng rào bảo hộ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển và đầu tư; cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính, khoa học kỹ thuật,...

"Chưa có lần nào hội nghị ABAC có sự tham dự đầy đủ và đông như năm nay", ông Dũng nói và cho biết Hội nghị CEO sẽ chào đón những nguyên thủ các nước tham dự và đến giờ phút này đã có 2.000 doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước đăng ký tham gia. Con số này đông nhất trong lịch sử 28 năm của APEC.

Theo ông, Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để phát triển như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, ổn định chính trị,... "Cái chúng ta thiếu là chính sách để làm sao nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tư nhân. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân phát triển thì đất nước mới phát triển", ông nói.

Ông Dũng cho hay, 97% doanh nghiệp châu Á Thái Bình Dương tham dự APEC là doanh nghiệp tư nhân và họ trưởng thành từ doanh nghiệp nhỏ. Trước đây, Việt Nam tập trung quá nhiều vào nhà nước, đến giờ mới nhận ra doanh nghiệp tư nhân là đầu tàu phát triển kinh tế. "Nhưng chúng ta thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách, thay đổi tư duy mất 30 năm", ông nói thêm.

Tại kỳ họp lần này, những khó khăn cũng như đề xuất của doanh nghiệp đã được các đại biểu ABAC lắng nghe và cùng nhau đưa ra những giải pháp. Các quan chức Chính phủ đánh giá cao những sáng kiến của doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi trong buổi họp báo, "TPP 11 tương lai sẽ như thế nào?", ông Dũng nói Việt Nam đang kêu gọi 11 thành viên nối lại TPP để tạo động lực cho các thành viên khác tham gia.

Vẫn theo ông Dũng, trong bối cảnh mở cửa và đặc biệt với những nước đang phát triển như Việt Nam thì có xu hướng đóng cửa để bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng thực tế khi chúng ta tham gia ASEAN, APEC, WTO thì Việt Nam càng hội nhập, người dân và doanh nghiệp càng hưởng lợi.

"Cách đây 30 năm chúng ta không có đầu tư nước ngoài vào thì nay chúng ta có 20.000 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và đóng thuế chiếm 20% GDP, 35% sản lượng công nghiệp, 70% sản lượng xuất khẩu. Điều này còn tạo ra sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nghiệp và chịu áp lực cạnh tranh", ông nói.

Quá trình hội nhập sâu rộng, cạnh tranh, ông Dũng cảnh báo sẽ có những doanh nghiệp phá sản, điều này khó tránh khỏi. Như ở Mỹ hàng năm có đến một triệu doanh nghiệp ra đời và 600.000 doanh nghiệp phá sản. Nhưng thực tế là những doanh đứng trụ lại sẽ phát triển khỏe mạnh.

Tại buổi đối thoại ngày 10/11 tới, ABAC sẽ tập trung vào các nội dung khiến nghị đến lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên APEC. Trong đó các vấn đề dự kiến được nêu ra sẽ gồm cải cách thể chế để đẩy mạnh tự do hóa thương mại, các giải pháp giảm khoảng cách giữa các nền kinh tế ảnh hưởng đến những nhóm người dễ bị tổn thương, lợi ích của việc mở cửa toàn cầu hóa,...

Theo VNXPRESS.NET


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hợp tác xúc tiến tiêu thụ cam

BHG - "Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với Sở Công thương, Báo Hà Giang... giới thiệu và quảng bá các sản phẩm cam Bắc Quang đến với người tiêu dùng cả nước" - đây là chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ Bắc Quang đến các cơ quan chức năng của huyện nhằm cùng hợp tác, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm cam niên vụ 2017.

08/11/2017
Hiệu quả hoạt động của các Nhóm tín dụng tiết kiệm xã Yên Thành

BHG - Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được thực hiện ở xã nghèo Yên Thành (Quang Bình) từ năm 2015 đến nay đã thành lập, phát triển nhiều Nhóm sở thích, Nhóm tín dụng tiết kiệm (TDTK). Trong đó, các nhóm vay vốn TDTK của chị em phụ nữ xã đã hoạt động tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Nguồn vốn vay ưu đãi từ nhóm TDTK đã trở thành "đòn bẩy" hỗ trợ nhiều chị em phát triển kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

 

08/11/2017
Hoàng Su Phì tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

BHG - Xác định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương; những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

08/11/2017
Bắc Mê tập trung sản xuất vụ Đông

BHG - Những ngày này, trên các cánh đồng ở huyện Bắc Mê, bà con nông dân đang tập trung sản xuất vụ Đông. Theo kế hoạch, toàn huyện gieo trồng khoảng 500 ha cây màu, trong đó có 100 ha ngô, 20 ha khoai lang, 20 ha khoai tây và 360 ha rau, đậu các loại.

08/11/2017