Hợp tác xã Ngọc Sơn – Chỗ dựa tin cậy của thành viên
BHG - Được thành lập tháng 8 năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Ngọc Sơn đóng chân trên địa bàn xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp dịch vụ và chế biến, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây dược liệu; gồm 7 thành viên tham gia, với số vốn ban đầu là 1,1 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của huyện Bắc Mê và của tỉnh, việc thành lập mô hình HTX kiểu mới là xu hướng tất yếu và là nền tảng quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân. Nắm được chủ trương này Ban điều hành HTX Ngọc Sơn tập trung khảo sát, nghiên cứu thị trường nhận thấy việc trồng nghệ và các sản phẩm chế biến từ cây nghệ đang phát triển rất mạnh, là một trong những sản phẩm đang có nhu cầu rất cao đối với người tiêu dùng nên HTX quyết định chọn mô hình sản xuất kinh doanh chính là trồng nghệ và sản xuất chế biến các sản phẩm từ nghệ.
Sản phẩm nghệ tươi chuẩn bị đưa vào chế biến tinh bột nghệ. |
Qua khảo sát hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Giang việc trồng nghệ của người dân vẫn còn nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thương lái từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên lên thu mua theo mùa vụ nên thường bị ép giá. Với quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn còn rất lớn có khả năng phù hợp để trồng cây nghệ, bên cạnh đó đây là một cây trồng quá quen thuộc với các hộ bà con nông dân, quy trình và kỹ thuật không đòi hỏi quá cao đến trình độ của người trồng, mặt khác cây nghệ phát triển không ảnh hưởng đến diện tích, năng suất cây trồng nông nghiệp truyền thống vì khi trồng nghệ người dân vẫn có thể trồng xen canh các loại cây hoa màu khác như ngô, lạc và các loại hoa màu, việc trồng nghệ mang lại hiệu quả cao gấp 5 – 7 lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác, do đó HTX triển khai theo hướng liên kết cùng bà con nhân dân trong các xã để sản xuất, HTX đầu tư giống, phân bón, quy trình trồng nghệ. Khi thu hoạch HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con theo giá thị trường sau khi trừ giống và phân bón đã cấp ban đầu. Như vậy HTX sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu và chất lượng đầu vào của sản phẩm.
Sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Ngọc Sơn được người tiêu dùng lựa chọn. |
Cùng với đó để chất lượng sản phẩm được đảm bảo HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất và chế biến như: Máy say, máy sấy, máy đóng gói, máy lắng tinh bột, xây mới khu chế biến và nhà sấy, sửa chữa nâng cấp kho chứa nguyên liệu và khu vực sân phơi, xây dựng hệ thống nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh… HTX đã chủ động liên kết, hợp tác với các Công ty, các đơn vị, huy động nguồn lực, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật và đã sản xuất và chế biến thành công sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng cao để đưa ra thị trường. Sản phẩm của HTX đã được các cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận là đơn vị đủ điều kiện sản xuất, có mã số mã vạch, mã truy suất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Sau hơn một năm hoạt động HTX đã thu hoạch được khoảng 250 tấn nghệ tươi qua công đoạn chế biến nâng cao giá trị sản phẩm HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường 8 tấn tinh bột nghệ chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ tại Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn và các tỉnh lân cận. Doanh thu ước đạt khoảng 4 tỷ đồng, lợi nhuận thu về đạt khoảng 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng đáp ứng cơ bản đời sống của các thành viên HTX.
Để phát triển ổn định lâu dài, HTX xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích vùng chuyên canh trồng nghệ với năng suất cao. Phương án sản xuất chế biến năm 2018 ước tính chế biến khoảng 500 tấn nghệ tươi, tận dụng triệt để diện tích đất trồng, tiếp tục vận động bà con nhân dân trong xã và các xã của huyện Bắc Mê tham gia vào HTX, phát triển thêm các dịch vụ khác như dịch vụ nông lâm nghiệp, dịch vụ vận tải, chăn nuôi…. nhằm giải quyết việc làm cho nhiều lao động, ổn định thu nhập cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã, góp phần thúc đẩy nông nghiệp tại địa phương.
Bài, ảnh: LAN HƯƠNG
Ý kiến bạn đọc