Hội nghị tư vấn phản biện "Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"
BHG - Ngày 24.11, tại Hội trường UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn phản biện “Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự có: GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam; TS Ngô Văn Hải, PGĐ Trung tâm Tư vấn Phát triển Nông thôn, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; đồng chí Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phản biện; các ủy viên hội đồng phản biện và đại diện một số sở, ban, ngành.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã tổng quát những nội dung cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp của tỉnh. Dự báo một số yếu tố chính tác động đến quá trình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh trong giai đoạn quy hoạch như: các thách thức lớn từ thị trường nông sản thế giới, biến đổi khí hậu toàn cầu, thị trường nông, lâm, thủy sản trong nước, nhu cầu nông sản thực phẩm chính của tỉnh, tiến bộ khoa học công nghệ. Từ đó, đưa ra định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh cho từng vùng, tiểu vùng với 2 phương án mục tiêu phát triển; đưa ra 6 nhiệm vụ quy hoạch phát triển cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Như: bố trí sử dụng đất nông nghiệp duy trì diện tích lúa là 11.321,99 ha; đất trồng cây hàng năm là 87.512,3 ha; đất trồng cây lâu năm là 37.163,2 ha; đất rừng phòng hộ 255.053,9 ha… Phát triển các vùng, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, chăn nuôi bò sữa, sản xuất và sơ chế dược liệu, sản xuất chế biến và bảo quản hoa quả…
Phản biện tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra 20 ý kiến, trong đó cho rằng mục tiêu quy hoạch phát triển 10 năm chưa tạo ra bước phát triển đột phá, vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp thuần túy. Cần tập trung vào việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh; ưu tiên phát triển đại gia súc, dược liệu, chè, cam; cần đề ra hướng đi trong việc hội nhập cách mạng công nghệ hiện nay… Nâng cao vai trò quản lý nhà nước và lĩnh vực dịch vụ công với sự phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi, chất lượng, xóa bỏ sự phát triển theo hướng mạnh ai người nấy chạy, hợp thành chuỗi hệ thống công khai, minh bạch, có trách nhiệm với sản phẩm làm ra.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc