Chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy – thêm cơ hội cho nhà đầu tư
BHG - Thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh có nhiều thuận lợi về khí hậu, đất đai, giao thông, nguồn lực. Những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân, thị trấn Vĩnh Tuy đã giành được nhiều kết quả đáng ấn tượng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngày càng tăng. Hiện nay, thị trấn có gần 500 hộ tham gia kinh doanh cố định, dịch vụ; chợ trung tâm tại thôn Phố Mới hoạt động thường xuyên, đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân…
Chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy đã được xây dựng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. |
Với tiềm năng, thế mạnh vùng đất “cửa ngõ”, ngay từ năm 2007, Nhà nước đã đầu tư, xây dựng Chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy với tổng vốn trên 5,8 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2009. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, hiện chợ vẫn chưa đi vào hoạt động. Nhằm tránh lãng phí, huyện Bắc Quang đã xây dựng phương án chuyển đổi công năng sử dụng của chợ đầu mối hoa quả Vĩnh Tuy.
Đồng chí Lê Mạnh Dũng, Trưởng phòng Công thương huyện Bắc Quang cho biết: Chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy được xây dựng quy mô trên diện tích gần 4 nghìn m2, tổng diện tích sử dụng 1.146m2, gồm 2 dãy nhà chợ chính, 1 dãy ki ốt, kho bảo quản, nhà quản lý, 2 nhà vệ sinh, giếng nước, bể ngầm, kè đá, cổng, hàng rào, sân bê-tông. Xét về mặt tổng thể, chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy là địa điểm lý tưởng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, trao đổi hàng hóa.
Sau khi có các văn bản chỉ đạo của tỉnh cho phép huyện Bắc Quang chuyển đổi mục đích sử dụng Chợ đầu mối hoa quả Vĩnh Tuy, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm, có nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng đã xây dựng, đầu tư cơ sở chế biến và kinh doanh nông sản tập trung. Trong đó, Công ty Cổ phần quốc tế Hà An (Hà Nội) đã có Tờ trình số 117/TTr-HA đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư với phương châm mua lại Chợ đầu mối hoa quả Vĩnh Tuy để xây dựng Nhà máy chế biến nước cam ép và hệ thống kho lạnh bảo quản cam sau thu hoạch.
Cây cam được huyện Bắc Quang quy hoạch, phát triển tập trung tại 8 xã có nhiều lợi thế gồm: Tân Thành, Đông Thành, Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng, Đồng Tâm với trên 4.167 ha, chiếm gần 80% tổng diện tích cam toàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.500 ha cam được chăm sóc theo quy trình VietGap, chiếm 56% diện tích cam đang cho thu hoạch; niên vụ 2016 – 2017, sản lượng cam của Bắc Quang đạt 23.500 tấn.
Theo các đồng chí lãnh đạo huyện Bắc Quang: Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các loại nông sản, cây ăn quả trên địa bàn huyện Bắc Quang và khu vực Chợ đầu mối hoa quả thị trấn Vĩnh Tuy rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế. Dự án Nhà máy chế biến nước cam ép và hệ thống kho lạnh bảo quản cam tươi sau thu hoạch được đầu tư sẽ giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cam của địa phương.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc