Tìm về hương vị Nếp nương Hoàng Su Phì
BHG - “Mùa vàng” Hoàng Su Phì lại đến hẹn, những thửa ruộng bậc thang ngả vàng theo sắc nắng Thu tạo nên sức hút đầy hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với miền Tây của tỉnh trong mỗi độ Hạ qua Thu về. Đến Hoàng Su Phì trong những ngày này, không phải ai cũng biết được nơi đây còn có một mùa lúa Nếp nương trên những quả đổi, khe núi vàng ruộm xen lẫn màu rừng xanh sậm làm cho vùng đất “Vỏ cây vàng” như muốn níu chân tất cả.
Người dân xã Ngàm Đăng Vài thu hoạch lúa Nếp nương. |
Trồng lúa nương vốn là truyền thống không chỉ của bà con nông dân huyện Hoàng Su Phì và các đặc tính mang nét riêng của gạo nương thì những người dù sành ăn nhất cũng phải “ngả mũ” với gạo nương; nhất là gạo Nếp nương của Hoàng Su Phì được người dân trồng bên bìa rừng thuộc các xã: Ngàm Đăng Vài, Thàng Tín, Bản Luốc... Hiện nay, dù với ruộng nước đã được cơ giới hóa, hiện đại hóa thì với những thửa ruộng nương vẫn giữ nguyên nét canh tác từ xa xưa truyền lại, canh tác nếp nương theo hình thức “chọc lỗ, tra hạt” trên các triền đồi cao. Năm nay, mặc dù thời tiết mưa nhiều, gây khó khăn cho việc chăm sóc các ruộng lúa nước nhưng lại là điều kiện vô cùng thuận lợi cho lúa Nếp nương phát triển, năng suất cao. Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Vụ mùa năm 2017, toàn huyện gieo trồng được trên 70ha lúa Nếp nương, năng suất bình quân ước đạt từ 30 đến 32 tạ/ha, sản lượng hơn 200 tấn. Thực tế cho thấy: Giống nếp đặc trưng này có hạt tròn, dẻo và rất thơm, chính vì vậy so với các loại lúa nếp thông thường, giá bán trên thị trường thường cao gấp 2 - 3 lần. Trong khi, trồng lúa Nếp nương không đòi hỏi nhiều công chăm sóc như lúa nước, chỉ cần tra hạt, lúa tự sinh trưởng mà không cần bón phân, cũng ít có sâu bệnh hại. Những diện tích đã canh tác năm trước rồi thì phải để cách từ 1 - 2 năm sau mới có thể trồng lại được, thế nên cái khó nhất đối với người dân canh tác lúa nương là mở rộng diện tích bởi chính sách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chính vì vậy, mặc dù biết sản xuất lúa Nếp mang lại thu nhập cao, nhưng đối với chính quyền các xã việc mở rộng diện tích canh tác gặp không ít khó khăn, mỗi năm chỉ phát triển thêm được vài ba ha nương mới.
Trồng lúa Nếp nương có năng suất chỉ bằng một nửa so với các giống lúa nước thông thường, nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì, người nông dân có thu nhập tốt hơn do giá thành cao hơn rất nhiều và đầu ra luôn ổn định vì cung chưa bao giờ đủ cầu. Từ thực tế đó, nếu kết hợp việc phát triển diện tích rừng mới trồng ở hai năm đầu khi cây lâm nghiệp còn thấp để canh tác lúa nương cho tới độ cây rừng cần chăm sóc, chờ thu hoạch; như vậy vẫn đảm bảo chủ trương phát triển kinh tế rừng và không phá rừng để mở rộng diện tích nương mới bằng việc biết vận dụng sáng tạo, tích cực trồng xen các loại cây lương thực ngắn ngày thì hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất đạt cao hơn, từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững bằng chính nguồn lực, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Phi Anh
Ý kiến bạn đọc