Thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc, thay đổi nhận thức trong chăn nuôi

17:23, 23/10/2017

BHG - Tính đến hết tháng 9.2017, toàn tỉnh thực hiện thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn trâu, bò được trên 3.500 con; trong đó, thành công trên 2.300 con, đạt tỷ lệ 65%. Điều này đã, đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn đại gia súc, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Trâu lai sinh ra bằng phương pháp TTNT của gia đình chị Hà Thị Hoa, xã Hùng An, mới 8 tháng tuổi đã nặng gần 2 tạ.
Trâu lai sinh ra bằng phương pháp TTNT của gia đình chị Hà Thị Hoa, xã Hùng An, mới 8 tháng tuổi đã nặng gần 2 tạ.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (NNN) tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020 đề ra mục tiêu: Cơ cấu lại NNN để đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành trên 6,5%/năm, riêng lĩnh vực chăn nuôi đạt trên 13%... Điều này, khẳng định lĩnh vực chăn nuôi đóng vai trò rất lớn trong chiến lược tái cơ cấu NNN của tỉnh. Nhưng, để đạt được mục tiêu trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt TTNT, nâng cao thể trạng đàn đại gia súc và giá trị kinh tế từ chăn nuôi được coi là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.

Chúng tôi đến xã Hùng An (Bắc Quang), địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công TTNT cho đàn trâu. Trạm trưởng Trạm Thú y Bắc Quang, Vương Thị Bình cho biết: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu NNN, con trâu được chọn là một trong những con chủ lực huyện tập trung phát triển. Vì vậy, từ tháng 10.2015 Trạm Thú y đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi phía Bắc thực hiện Dự án Cải tạo đàn trâu nội thông qua lai tạo với trâu Mural (Ấn Độ) bằng phương pháp TTNT, nhằm nâng cao năng xuất thịt và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Qua 2 năm triển khai, dự án mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao tầm vóc, thể trạng của trâu con. Từ đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình này trong giai đoạn 2017 – 2020.

Dự án Cải tạo đàn trâu nội thông qua lai tạo với trâu Mural bằng phương pháp TTNT ở Bắc Quang được triển khai thí điểm tại xã Hùng An với 100 trâu cái địa phương. Đến nay, 80 con đã có chửa, 37 nghé con được sinh ra trong năm 2017, trọng lượng trung bình 30kg/nghé con, thậm chí có con đạt 35kg, cao hơn khoảng 30% so với thực hiện phương pháp phối giống thông thường và giống địa phương. Từ hiệu quả của dự án này, Bắc Quang đã nhân rộng ra nhiều xã, thị trấn với trên 200 trâu cái được TTNT đến thời điểm hiện tại.

Chị Hà Thị Hoa, thôn Hùng Thắng, xã Hùng An (Bắc Quang), chia sẻ: Gia đình tôi thuộc những hộ đầu tiên được lựa chọn thực hiện thí điểm TTNT cho trâu. Đầu năm 2017, trâu cái sinh được một nghé con, cân nặng trên 35kg, trước đây, trâu nhà tôi chưa bao giờ đẻ được con to như vậy, nghé con lai nhưng rất nhanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của địa phương. Qua 8 tháng tuổi, trâu con nặng gần 2 tạ, nếu bán có thể được gần 20 triệu đồng. Vừa rồi, gia đình tôi tiếp tục nhờ Trạm Thú y huyện thực hiện TTNT lứa 2 cho trâu mẹ.

Trong các huyện vùng thấp, vùng động lực của tỉnh, Bắc Quang là điển hình thực hiện TTNT cho đàn gia súc, đặc biệt đàn trâu. Nhưng xét chung toàn tỉnh, huyện Đồng Văn đang dẫn đầu thực hiện TTNT cho đàn đại gia súc. Từ năm 2016 đến nay, huyện Đồng Văn có 1.258 con bò được TTNT, trong đó, xác định thành công 999 con, đạt 80%, đã có 344 bê con được sinh ra.

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, tính đến hết tháng 9.2017, toàn tỉnh thực hiện TTNT cho đàn trâu, bò được trên 3.500 con, trong đó thành công trên 2.300 con, đạt tỷ lệ 65%. Có được kết quả này, theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh, Trịnh Văn Bình: “Xác định con trâu, bò là một trong những con chủ lực thực hiện tái cơ cấu NNN và phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa cho của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc và hỗ trợ kinh phí thực hiện TTNT cho đàn trâu, bò theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh và mới đây là Nghị quyết 86 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 209 về chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của chương trình TTNT cho gia súc”.

Theo Nghị quyết 86 HĐND tỉnh, với mỗi con trâu, bò được TTNT thành công, cán bộ dẫn tinh viên sẽ được hỗ trợ kinh phí bằng 0,4 hệ số lương cơ sở (tương đương 520 nghìn đồng). Với những chính sách đã ban hành và kết quả đạt được từ chương trình TTNT có thể khẳng định: TTNT cho đàn đại gia súc đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tỉnh, làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân khi mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi; cải tạo, nâng cao được tầm vóc đàn trâu, bò; góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi...

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang - điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư

BHG - Nằm phía cực Bắc Tổ quốc, tỉnh ta được mệnh danh vùng đất đầy tiềm năng, có sức hút mãnh liệt đối với các nhà đầu tư. Mỗi khác biệt về địa hình, khí hậu, tài nguyên, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc... đều trở thành lợi thế cạnh tranh. Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, nhằm đánh thức tiềm năng và đã có nhà đầu tư lớn, mạnh dạn triển khai dự án, bước đầu hứa hẹn những thành công.

23/10/2017
No ấm trên quê hương Bó Loỏng

BHG - Tháng 3 năm 1943, dưới sự chỉ đạo của cán bộ Mặt trận Việt Minh, Ban vận động Phụ nữ gồm 5 chị đã được thành lập tại thôn Bó Loỏng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang. Ngay sau khi ra đời, các chị đã tuyên truyền, vận động chị em trong xã Hùng An và các vùng lân cận gia nhập Hội Phụ nữ Cứu quốc, tham gia phong trào cách mạng, góp công, góp sức đấu tranh đuổi Pháp, Nhật giành chính quyền; giải phóng quê hương, đất nước

22/10/2017
Giữ vững sinh kế cho người nuôi ong ở Mèo Vạc

BHG - Những ngày đầu tháng 10, Cao nguyên đá chuyển mình đón tiết trời se lạnh. Đây cũng là thời điểm loài cây Bạc hà chuẩn bị đơm hoa, bắt đầu cho mùa nuôi ong rộn ràng. Để đảm bảo sinh kế cho người dân và giữ vững thương hiệu mật ong Bạc hà, huyện Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, mang tính "then chốt" trong việc bảo tồn đàn ong nội và mở rộng quy mô nuôi ong trên địa bàn. 

20/10/2017
Quyết tâm xóa đói giảm nghèo của chàng trai vùng cao

BHG - Trong những chuyến công tác đến với vùng đất "cổng trời" Quản Bạ - Hà Giang luôn đọng lại trong tôi những câu chuyện về các tấm gương sử dụng vốn vay hiệu quả, các gia đình biết phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là câu chuyện của chàng trai thôn Cốc Mạ, xã Đông Hà, anh là Giàng Chẩn Ngán sinh năm 1983, là tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân và Hội Phụ Nữ xã Đông Hà quản lý.

20/10/2017