Lao Chải mùa lúa chín

09:54, 09/10/2017

BHG - Những ngày này, đến Lao Chải – xã vùng biên, vùng cao của huyện Vị Xuyên sẽ cảm nhận được không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa Mùa. Những thửa ruộng bậc thang phủ màu vàng tít tắp từ sườn núi đến chân khe luôn vang lên tiếng máy tuốt xình xịch, tiếng đập lúa thậm thịch, tiếng cười nói râm ran… quyện với hương lúa mới theo làn gió biên thùy tỏa khắp vùng thôn quê.

Thuận lợi đã có:

Chúng tôi lên với Lao Chải vào một ngày nắng đẹp, chính vì thế, khung cảnh nơi này hiện lên như một bức tranh mang sắc màu rực rỡ, mà chủ đạo là màu vàng của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi, lưng đồi, ven suối… tạo nên những nét hoa văn mềm mại uyển chuyển đến không ngờ. Để được đắm mình với không gian kỳ vĩ nơi này, từ trung tâm huyện Vị Xuyên vượt 45 km Quốc lộ 2, đến xã Thanh Thủy, rẽ theo Quốc lộ 4D ngược dốc thêm 20 km đi qua xã Thanh Đức, Xín Chải thì đến xã Lao Chải. Mặc dù là một trong những xã xa trung tâm nhất của huyện Vị Xuyên nhưng đi lại khá thuận lợi do lưu thông trên các tuyến Quốc lộ được rải nhựa hoặc bê tông êm phẳng, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trao đổi hàng hóa, tiếp cận với các tiến bộ của xã hội.

Nông dân thôn Cáo Sào tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch lúa Mùa.
Nông dân thôn Cáo Sào tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch lúa Mùa.

 

Còn nhiều diện tích lúa đã chín chưa được thu hoạch.
Còn nhiều diện tích lúa đã chín chưa được thu hoạch.

Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa vụ Mùa năm nay, xã Lao Chải có tổng diện tích 80,5 ha lúa. Đến nay bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích; năng suất ước đạt 57 tạ/ha; sản lượng ước đạt 458,85517 tấn, trị giá quy đổi thành tiền là 2  tỷ 753 triệu đồng. Qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức được lợi ích từ việc trồng các loại giống lúa lai có chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của xã như: Kim Ưu 725, San Ưu 63, Nhị Ưu 838… cho năng suất cao. Cùng với việc chuyển đổi giống cây lúa phù hợp, người dân ở đây cũng đã chú trọng đến việc giải phóng sức lao động bằng cách đầu tư một số loại máy nông nghiệp phù hợp trong canh tác. Hiện nay toàn xã đã có 8 máy cày, 30 máy tuốt lúa hỗ trợ đắc lực cho bà con trong khâu chuẩn bị đất và thu hoạch. Trong việc thu hoạch lúa, nhiều hộ dân cũng đã thay đổi tư duy, thay đổi phương thức để hiệu quả và đỡ tốn kém hơn. Theo truyền thống ở các vùng nông nghiệp, nông thôn nói chung, vào những ngày mùa vụ, bà con thường thực hiện theo phương thức đổi công (do thiếu nhân lực). Nhưng nay, nhiều hộ ở Lao Chải đã chuyển sang phương thức thuê gặt. So sánh hiệu quả giữa 2 phương thức trên, đồng chí Mương Văn Lạc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Đối với đổi công, chủ nhà sẽ phải mất tiền nuôi ăn những người đến giúp công, rồi phải bố trí nhân lực đi trả công. Còn nếu thuê gặt, chủ nhà sẽ khoán cho các thợ gặt  (cũng là người trong xã) theo diện tích với giá 90 nghìn/100m2. Như vậy, hộ có 5.000 mét ruộng, nếu thuê phải chi phí 4,5 triệu đồng, nếu đổi công thì phải bố trí nhân lực và phải chi phí vào tiền ăn từ 5 – 6 triệu đồng.

Một phần diện tích lúa tại thôn Ngài Thầu đã được gặt xong.
Một phần diện tích lúa tại thôn Ngài Thầu đã được gặt xong.

Khó khăn vẫn còn:

Người nông dân ở Lao Chải đã tạo được nhiều thuận lợi trong sản xuất bằng cách thay đổi từ duy từ việc chuyển đổi cơ cấu giống; đầu tư công cụ, phương thức thu hoạch… nhưng bên cạnh đó, nhiều yếu tố khách quan đã gây những bất lợi không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã trao đổi với chúng tôi với nét mặt đăm chiêu Mùa năm năm nay “ May cho các anh và cho cả bà con Lao Chải là hôm nay trời nắng đẹp hiếm có từ ngày lúa chín. Các anh không biết chứ, hơn tuần nay rồi, lúa chín mà trời cứ mưa suốt, thời gian có nắng rất hiếm nên tiến độ thu hoạch của bà con chậm lắm. Có ngày không mưa thì 8 rưỡi đến 9 giờ sương mới tan, trời hửng lên một chút rồi lại lay phay, sập sùi, lúa ướt, nếu gặt thì không phơi được. Bà con trong xã phải tận dụng thời điểm ngớt mưa, lúa ráo bớt đi là phải tranh thủ gặt, tuốt, đập lúa ngay. Mấy đêm nay trời không mưa, bà con phải ra đồng làm đến 22 – 23 giờ đêm, chỉ sợ ngày hôm sau trời lại mưa!”. Đến thời điểm này, toàn xã còn khoảng 60% diện tích lúa chưa gặt nên bà con đang hết sức tận dụng khoảng thời tiết có thể để thu hoạch hết diện tích, tránh để lúa chín quá sẽ bị rụng, hoặc mọc mầm. Được biết thêm, diện tích lúa tại các xã Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải có thổ nhưỡng và địa hình gần giống với một số xã của huyện Hoàng Su Phì, đất pha cát, độ dốc lớn nên việc mở rộng diện tích trồng lúa (hầu hết là ruộng bậc thang) đối với bà con nơi đây là vô cùng khó khăn nên rất khó tăng sản lượng lúa hàng năm. Thêm nữa, mặc dù có Quốc lộ 4D đến trung tâm xã nhưng đường đến các thôn, xóm hầu hết là đường đất, độ dốc cao gây khó khăn trong việc đi lại nói chung, việc sản xuất nông nghiệp nói riêng.

An Dương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể

BHG - Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức sản xuất cho nông dân giai đoạn 2014 - 2020 ban hành ngày 2.7.2014 đã triển khai được 3 năm. Từ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự quyết tâm của UBND tỉnh, các hình thái kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đổi mới và phát triển đáng kể, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

30/09/2017
Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng

BHG - Không ngại khó, ngại khổ, anh Vàng A Chung (sinh 1980) là người dân tộc Giáy, sống tại thôn Nà Bưa, xã Mậu Duệ (Yên Minh) đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình từ mô hình vườn-ao-chuồng (VAC).

30/09/2017
Hội thi Phương án hay nhận ngay tài trợ cho các nhóm cùng sở thích

BHG - Sáng 29.9, tại Trung tâm văn hóa huyện Vị Xuyên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh (CPRP) tổ chức hội thi "Phương án hay nhận ngay tài trợ" cho các nhóm cùng sở thích. 

29/09/2017
Kỳ công "cõng cỏ" nuôi bò Vàng trên Công viên đá: Kỳ II - Bò Vàng, "đầu cơ nghiệp" và thương hiệu của Công viên đá

BHG - Một kỷ lục đáng mừng về giá bò Vàng mới được thiết lập trên Cao nguyên đá (CNĐ) khi hộ anh Dinh Mí Chứ, một "đại gia" bò ở thôn Xà Lủng, xã Lũng Táo, Đồng Văn bán một con bò Vàng giá 110 triệu đồng. Được biết, giá cao nhất cho một chú bò Vàng CNĐ trước nay thường chỉ từ 70 – 80 triệu đồng. 

07/10/2017