Kỳ công "cõng cỏ" nuôi bò Vàng trên Công viên đá: Kỳ II - Bò Vàng, "đầu cơ nghiệp" và thương hiệu của Công viên đá
BHG - Một kỷ lục đáng mừng về giá bò Vàng mới được thiết lập trên Cao nguyên đá (CNĐ) khi hộ anh Dinh Mí Chứ, một “đại gia” bò ở thôn Xà Lủng, xã Lũng Táo, Đồng Văn bán một con bò Vàng giá 110 triệu đồng. Được biết, giá cao nhất cho một chú bò Vàng CNĐ trước nay thường chỉ từ 70 – 80 triệu đồng. Anh Lầu Mí Pó, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Táo cho chúng tôi biết, con bò Vàng của anh Chứ mới 5 năm tuổi, nhưng sức vóc hiếm có, nặng gần 800kg. Khi dắt ra khỏi chuồng giao cho khách, anh Chứ còn rưng rưng nựng... “nó xinh trai lắm”. Người dân Xà Lủng còn ví von, con bò to như chiếc xe U - oát.
[links()]
Lên CNĐ, dễ dàng nghe danh nhiều xã nuôi bò Vàng tốt như Lũng Hồ, Đường Thượng (Yên Minh), Lũng Táo, Phố Cáo, Ma Lé (Đồng Văn), Pả Vi, Cán Chu Phìn (Mèo Vạc)... Bò Vàng giúp bao người nông dân trở thành “đại gia” kinh tế trên vùng CNĐ. Điển hình như bác Vừ Sé Cơ ở xã Ma Lé (Đồng Văn), người được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Các gia đình ông Vừ Chúng Dinh, thị trấn Yên Minh (Yên Minh); Ly Sia Sinh, ở xã Xín Cái (Mèo Vạc) và nhiều “đại gia” bò khác có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ bò Vàng... Họ là tấm gương làm giàu cho biết bao hộ trên vùng đá.
Một chú bò Vàng được mua từ chợ bò Mèo Vạc. |
Mấy năm trở lại đây, câu chuyện làm giàu của những người nông dân trên vùng CNĐ thường gắn với những gia súc như bò, ong, dê, lợn. Nhưng, bò Vàng chính là câu trả lời về “nuôi con gì” hiệu quả nhất trên vùng đá. Trong khi cây ngô, cây lúa, con ong và một số vật nuôi khác chỉ dám khiêm tốn mang đến cuộc sống đủ ấm bụng thì con bò Vàng có thể tự tin khẳng định vị thế làm giàu cho người nông dân. Vì thế những năm qua, trên CNĐ đã tổ chức nhiều hoạt động chọi bò, thi bò khỏe đẹp, thi bê Vàng nữa. Tất cả như đang cổ vũ cho phong trào chăn nuôi bò Vàng ở Cao nguyên.
Đến nay, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước như vốn vay cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 209/HĐND tỉnh, Nghị quyết 86/HĐND tỉnh...; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bò giống hộ nghèo, giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển đàn bò. Diện tích cỏ chăn nuôi vùng CNĐ ngày càng được mở rộng, mỗi huyện CNĐ có vài ngàn héc ta cỏ chăn nuôi. Từ đó, giúp đàn bò ở CNĐ Đồng Văn ngày càng tăng trưởng mạnh với tốc độ hàng năm đạt từ 6 – 7%.
Con bò trở thành con chủ lực trong phát triển kinh tế của đồng bào CNĐ. Ngày cuối tuần, vào phiên chợ, khắp các nẻo Công viên đá đều dễ dàng bắt gặp những cặp vợ chồng dắt bò Vàng xuống chợ mua bán, trao đổi và giao lưu. Con bò là “cục vàng” thực sự của mỗi gia đình. Có nhà khá giả, sở hữu vài chú bò, thậm chí 10 – 15 con bò Vàng xúng xính cùng với vài chục con dê. Con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, cha mẹ vui vì có của chia cho con làm vốn rồi.
Để phát triển con bò Vàng, cần phải nhìn nhận một hạn chế trong những năm trước đây. Anh Trịnh Văn Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở NN&PTNT, cho biết: Trước đây, do những hạn chế của người dân về kỹ thuật chăm sóc đàn bò; do việc giao phối cận huyết; hoặc người dân trong quá trình chăn nuôi hàng hóa thường đem bán các con bò có sức vóc to khỏe để thu nhiều tiền, trong khi thường giữ lại những con bò yếu, bé để nuôi vỗ. Từ đó, dẫn đến nguy cơ suy thoái nguồn gen và sức vóc con bò Vàng.
Đứng trước thực trạng trên, Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo xây dựng cây, con chủ lực, sản phẩm chủ lực, trong đó có con bò Vàng CNĐ. Tỉnh chỉ đạo xây dựng một số dự án như: Khu bảo tồn gen và phát triển giống bò Vàng CNĐ; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi vỗ béo bò Vàng Hà Giang nhằm hỗ trợ phát triển KT – XH các huyện vùng CNĐ Đồng Văn. Các dự án trên nhằm đẩy mạnh chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò trước khi trở thành sản phẩm hàng hóa để tăng chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đồng thời giữ gìn nguồn gen quý của giống bò Vàng. Được biết, với nỗ lực của Trung tâm Giống cây trồng, gia súc Phó Bảng và các huyện CNĐ từ năm 2011 đến nay, đã lựa chọn bò đực khỏe để khai thác tinh và thụ tinh nhân tạo thành công được trên 4.000 bê con có sức vóc, bổ sung cho đàn bò Vàng CNĐ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ma Quốc Chưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Là địa bàn có đàn bò khoảng 28.000 con. Những năm qua, Đảng bộ huyện xác định bò Vàng là con chủ lực trong phát triển kinh tế hộ. Huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò Vàng. Hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển đàn bò của tỉnh; vận động và hỗ trợ các hộ chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Nhờ hỗ trợ mạnh việc thụ tinh nhân tạo, cải tạo đàn bò, năm 2017 toàn huyện đã thụ tinh đạt 200 con. Phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò trên địa bàn đạt trên 33.000 con.
Trong điều kiện gian khó của CNĐ, nhờ Nhà nước, nhà khoa học, nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp, chúng ta đã nhận diện nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Những sản phẩm bò Vàng, Hồng không hạt, dược liệu..., mang đến niềm hy vọng và thỏa ước mơ làm giàu cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm trên miền đất khó. Công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn hướng tới mục tiêu trở thành Khu du lịch Quốc gia và điều này càng làm cho con bò Vàng có cơ hội khẳng định vị thế “đầu cơ nghiệp” trên vùng đất này. Bởi so với nhiều loại thịt bò nhập khẩu đắt giá và khó tin trên thị trường hiện nay thì cách lựa chọn sản phẩm bò Vàng CNĐ, giá vài trăm ngàn/kg, được chăn nuôi từ vùng đất có uy tín với các sản phẩm gần gũi với thiên nhiên sẽ là sự thông thái của người tiêu dùng.
Chúng ta đang tiến từng bước vững chắc trong việc xây dựng thương hiệu bò Vàng CNĐ, một thương hiệu gần như của riêng CNĐ. Vì thế, đây là một lợi thế của CNĐ Đồng Văn trong việc đưa chăn nuôi bò Vàng trở thành một điểm tựa vững chắc nhất cho kinh tế của vùng và khẳng định vị thế mũi nhọn của con bò Vàng trong cơ cấu cây, con ở đây. Để có thể làm được những điều đó, rất cần có thêm quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trong việc bảo tồn nguồn gen, xây dựng quy trình chăn nuôi phù hợp; tiếp tục có những cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy chăn nuôi bò; mở rộng quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại; xây dựng chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc.
Tâm sự với những thanh niên CNĐ có mong muốn “khởi nghiệp” từ bò Vàng như anh Mua Mí Chứ, thôn Tả Lủng, xã Tả Lủng, Mèo Vạc, các anh cho rằng, thời gian qua nhiều hộ đã được Nhà nước hỗ trợ vốn vay mua bò giống. Để đàn bò phát triển mạnh hơn, bà con rất mong có thêm sự quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc đàn bò của huyện, xã; giảm các thủ tục giúp bà con dễ tiếp cận các nguồn vốn vay chăn nuôi. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối thị trường nhằm đưa bò Vàng đến được những trung tâm kinh tế của cả nước, mở đầu ra ổn định. Từ đó, đem đến cuộc sống ấm no cho những người nông dân sáng tạo và quả cảm trên vùng CNĐ. Đồng thời, góp phần “Phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc