Kỳ công "cõng cỏ" nuôi bò Vàng trên Công viên đá: Kỳ I - "Nuôi bò Vàng trên... lưng"
BHG - Trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Giang, bò Vàng là sản phẩm đặc biệt. Chính vì thế, những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh hỗ trợ chăn nuôi, phát huy tiềm năng của vật nuôi này. Con bò Vàng trong suốt hành trình phát triển, được người nông dân Cao nguyên đá (CNĐ) chăm sóc theo cách không thể nhọc nhằn hơn - “nuôi bò trên lưng”, thì nay đang đem những trái ngọt trả ơn chủ nhân của mình. Bò Vàng đang khẳng định vị thế “đầu cơ nghiệp”, một trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp trên Công viên đá.
CNĐ Đồng Văn là vùng đất cực kỳ khắc nghiệt, đặc biệt và đầy kiên cường. Con bò Vàng và cách nuôi bò ở miền đá là một ví dụ điển hình cho sự đặc biệt và kiên cường bởi kỳ công chăn nuôi loài vật này. Cũng vì thế, có người đã ví từ công chăm sóc đến môi trường chăn nuôi và chất lượng thịt bò Vàng CNĐ sánh ngang với bò Kobe nổi tiếng thế giới của Nhật Bản.
Nhiều năm trước, tôi từng nghe Tiến sỹ Nguyễn Văn Bào, lúc đó là Giám đốc Sở Nông nghiệp, ví von cách nuôi bò của đồng bào Mông trên vùng đá là “nuôi bò trên lưng”. Nhiều người chưa hiểu đã phì cười, nhưng quả thực, cách ví ấy là sự thấu hiểu giá trị lao động, thể hiện sự nhìn nhận đầy thực tiễn về CNĐ.
Người dân Cao nguyên đá cõng cỏ trên núi về nuôi bò Vàng. |
Nhìn vào thực tế giữa vùng đá, cuộc sống hàng ngày của đồng bào đã khó, để nuôi thêm con bò Vàng chẳng khác nào “cõng” nó trên lưng. Trong điều kiện ¾ diện tích là đá, địa hình chia cắt, thiếu đất canh tác và không thể chăn thả, người dân chỉ còn cách nuôi bò nhốt chuồng. Và để con bò trở nên béo núc, lực lưỡng, hàng ngày người dân phải đi nhiều cây số, treo mình nơi triền đá, vực sâu, lượm từng ngọn cỏ, đùm lá về cho bò ăn. Trái bí, bắp ngô lẽ ra dành riêng cho người, cũng được sẻ chia một phần cho “cục vàng”. Không ít người dân chẳng may trong lúc đi tìm cây cỏ cho bò đã sảy chân nơi vực đá sâu thẳm. Nuôi bò vất vả và cả nguy hiểm, nhưng đồng bào vẫn không bỏ “người bạn” tri kỷ này. Vì lẽ đó, cách ví đồng bào “nuôi bò trên lưng” là cực kỳ chính xác.
Trong điều kiện khắc nghiệt của vùng đá, nhưng người dân rất sáng tạo và kỳ công để có thể bảo tồn giống bò Vàng từ đời này qua đời khác. Giữa những mùa Đông giá rét, đến người còn thiếu nước sinh hoạt, cây cỏ héo úa, thế nhưng con bò Vàng vẫn sống như điểm tựa trên Cao nguyên. Hiện nay, chưa có khẳng định khoa học nào về thời gian xuất hiện của giống bò Vàng trên CNĐ, nhưng khả năng nó đã có từ lúc những cộng đồng cư dân Mông đầu tiên đến và ổn định cư trú trên vùng đất này. Theo các nhà khoa học, bò Vàng là giống bò có ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực CNĐ Đồng Văn và thường được gọi là bò Mông.
Nuôi bò Vàng nhốt chuồng, hình ảnh rất đỗi thân thuộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Theo thời gian, đàn bò trở thành “đầu cơ nghiệp” của người dân miền đá. Hơn chục năm qua, khi các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của Nhà nước cho đồng bào vùng 30a, các hộ nghèo có nhu cầu vốn chăn nuôi được ưu tiên hỗ trợ. Mỗi người dân vùng đá sẽ không thể quên chương trình “Mái nhà, bể nước, con bò” từ hơn chục năm trước của tỉnh, được cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Vũ Ngọc Kỳ rất tâm đắc. Nó không chỉ thể hiện sự gắn kết, sẻ chia của cả hệ thống chính trị trong tỉnh dành cho đồng bào vùng cao mà còn là động lực để người dân CNĐ vươn lên. Từ chương trình này, cùng với nhiều chính sách ưu đãi vốn vay của Nhà nước, sự chung tay của xã hội hỗ trợ bò giống, hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi hộ nghèo, giúp cho đàn bò Vàng không ngừng tăng trưởng. Đồng thời, giảm ghánh nặng “nuôi bò trên lưng” cho đồng bào.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện đàn bò 4 huyện CNĐ chiếm ¾ tổng đàn bò trong tỉnh. Trong đó, huyện Đồng Văn có trên 20.000 con; huyện Mèo Vạc có khoảng 28.000 con; huyện Yên Minh trên 20.000 con và huyện Quản Bạ có gần 14.000 con. Theo các chuyên gia nông nghiệp, bò Vàng CNĐ có khả năng kháng chịu cực tốt với thời tiết khắc nghiệt, bệnh dịch. Với sức vóc to lớn, trọng lượng bò đực trưởng thành có thể đạt trên 500kg, cá biệt có con nặng gần 800kg. Bò Vàng cho năng suất thịt tốt, đạt tỷ lệ thịt xẻ từ 50 đến trên 52%.
Không giống những nơi khác, ở CNĐ mọi người dễ dàng bắt gặp bò Vàng được chủ ưu ái dắt xuống chợ chơi. Sống ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, được nuôi nhốt, gắn với cày kéo một thời gian nhất định như một bài tập thể dục cho bò. Bò được ăn nhiều loại lá cây trên núi, trong đó có cả những lá cây thuốc, khiến chất lượng thịt bò Vàng đặc biệt thơm ngon, bổ dưỡng.
Lên thôn Há Đề, xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, thôn có 37 hộ đồng bào Mông. Nhờ sự chịu khó cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước về vốn vay mua con giống và trồng cỏ chăn nuôi, đến nay hầu hết các hộ trong thôn đều nuôi được từ 2 con bò trở lên. Nhờ nuôi bò mà kinh tế của bà con khá ổn định. Hộ chị Giàng Thị Sùng có đến 4 con bò, tổng giá trị đàn bò ước trên 100 triệu đồng. Chị Sùng cho biết: Mỗi ngày cả nhà chị thay nhau lên núi kiếm cỏ, cõng về cho bò ăn. Ở vùng cao này, nuôi bò như ở trên lưng vậy, không con gì “to” hơn con bò
Con bò Vàng gắn chặt với đời sống người dân vùng CNĐ. Hơi thở của nó quá quen thuộc ở từng ngôi nhà và từng xóm bản Cao nguyên. Đặc biệt, cái chuông mà các gia đình xuống chợ mua về treo vào cổ mỗi con bò đã trở thành một nét đặc hữu ở CNĐ. Chuông bò là thứ âm thanh mang đến sự yên ấm, no đủ và phát triển cho mỗi xóm bản vùng cao bởi con bò Vàng chính là điểm tựa kinh tế của người dân. Hình ảnh những con bò đực u vai nổi, vạm vỡ trở thành biểu tượng cho tiềm lực kinh tế cho các gia đình. Cũng vì thế, cái chuồng bò làm bằng gỗ trong mỗi nhà người Mông thường rất nổi bật, thậm chí nó còn được làm khéo léo, cẩn thận hơn chính nhà chủ vậy.
Với sức vóc vạm vỡ hơn nhiều giống bò khác, thế nên sức kéo của bò Vàng có thể chinh phục được những nương đá đầy ắp cục cằn. Bà con người Mông cho biết, con bò Vàng khôn lắm, khi kéo cái lưỡi cày va phải đá lớn, nó khựng lại ngay, chờ người chủ nhấc lưỡi cày lên rồi mới phăm phăm kéo tiếp. Phân bò cũng là chất dinh dưỡng tốt bổ sung cho phương thức Thổ canh hốc đá nổi tiếng.
Đồng hành với con bò Vàng sau những ngày lên nương vất vả, gia chủ lại mải miết leo lên những triền đá kiếm những cành lá non, những đùm cỏ tươi về đãi bò. Ngày chợ, nhiều người cho bò cùng xuống chợ để nó lỏng chân, thư thái nhìn ngắm các bạn bò Vàng khác. Buộc bò ở một góc chợ, người chủ ung dung, vui với bạn bên những chén rượu tâm tình. Chợ tan cuối trưa, con bò Vàng sẵn sàng cho vợ chồng ông chủ bám vào đuôi mình leo núi về bản.
Thấu hiểu kỳ công “Nuôi bò trên lưng”, và khi được nếm hương vị thịt đặc biệt của bò Vàng CNĐ với giá vài trăm ngàn đồng/kg, không ít người sành ăn đã thốt lên, thịt bò Kobe từ Nhật Bản có giá vài triệu đồng/kg cũng chỉ ngon như thịt bò Vàng CNĐ là cùng. Mỗi phiên chợ huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và một số chợ trên CNĐ, có hàng trăm con bò Vàng được đem xuống trao đổi, mua bán và giao lưu. Xuống chợ mà không thấy bóng bò Vàng, như cảm thấy thiếu thứ gì đó. Sau mỗi phiên chợ, nhiều chú bò Vàng được tư thương mua đưa đi các miền, làm nức tiếng thương hiệu bò Vàng Hà Giang.
Kỳ II: Bò Vàng, “đầu cơ nghiệp” và thương hiệu của Công viên đá.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc