Hiệu quả từ một đề tài khoa học
BHG-Hiện nay, sản lượng cá tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng, trong đó có các loài quý hiếm như: Cá Lăng chấm, cá Chiên đã được xếp vào mức nguy cấp bậc V trong Sách Đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ, do hoạt động của con người khai thác đánh bắt bừa bãi bằng các loại hóa chất, xung điện, chất nổ, ngoài ra việc đắp đập xây dựng các nhà máy thuỷ điện cũng đã làm mất các bãi đẻ tự nhiên của các loài cá. Đồng thời, do áp lực của sự gia tăng dân số nên nhu cầu lương thực, thực phẩm của con người càng tăng, nhiều loại cá bản địa, quý hiếm đang bị tổn thương nghiêm trọng, dần cạn kiệt và khó đánh bắt.
Trung tâm Thủy sản Hà Giang phối hợp với UBND huyện Bắc Mê thả cá Chiên, Lăng chấm giống xuống sông Gâm. |
Trước thực trạng đó, từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm, cá Chiên tại Trung tâm Thủy sản Hà Giang”. Sau 2 năm thực hiện đề án, đến nay Trung tâm Thuỷ sản đã ứng dụng sinh sản nhân tạo và thả ra tự nhiên được 9.000 con cá giống Lăng chấm, 4.000 con cá Chiên giống trên sông Lô và sông Gâm tại khu vực thành phố Hà Giang và thị trấn Bắc Mê. Đây được coi là thành công bước đầu trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh trong thời gian qua.
Cá Lăng chấm là loài cá hoang dã có giá trị kinh tế cao của hệ thống sông Hồng. Thịt cá Lăng chấm mềm, ít xương dăm, giá bán cao, được coi là loại cá đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc. Trước đây, trong những năm 1960 – 1970, sản lượng cá Lăng chấm chiếm một tỉ trọng khá lớn của sản lượng cá đánh bắt tự nhiên của một số tỉnh miền núi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của điều kiện môi trường bị suy thoái như nạn phá rừng, đắp đập, đào đãi ở lòng sông và khai thác quá mức bằng những phương tiện như: Dùng xung điện, thuốc nổ, chất độc và những phương tiện khai thác khác mang tính huỷ diệt nên sản lượng cá Lăng chấm giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, cá Lăng chấm là loài cá có kích thước tương đối lớn, ham ăn mồi (là loài ăn thịt), sức sinh sản thấp nên nguy cơ suy giảm nguồn lợi tự nhiên dẫn tới tuyệt chủng là điều dễ xảy ra. Hiện tại, cá Lăng đã giảm sút nghiêm trọng và được xếp vào mức nguy cấp bậc V trong Sách Đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ. Cá Chiên là một trong những loài cá được xếp vào dạng “ngũ quý” cùng với cá Lăng chấm, Rầm xanh, Anh vũ, cá Bỗng. Hiện nay, do việc hình thành các hệ thống hồ chứa thủy điện và sử dụng các công cụ khai thác không đúng cách đã làm cho nguồn lợi cá Chiên ngày càng cạn kiệt, đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá Lăng chấm.
Hiện hay nhu cầu cá Lăng chấm, cá Chiên thương phẩm là rất lớn, với giá thành từ 600.000 – 800.000 đồng/kg cá thương phẩm việc phát triển nghề nuôi thương phẩm 2 đối tượng cá này đang rất được quan tâm. Theo Trung tâm Thuỷ sản Phú Thọ, giá thành khi mua giống cá Lăng chấm tại đây dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/con. Việc sản xuất thành công giống cá tại Trung tâm thuỷ sản Hà Giang sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm, giảm tối thiểu sự hao hụt trong quá trình vận chuyển. Đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho cả Trung tâm Thuỷ sản và người nuôi cá trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Vi Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Hà Giang, cho biết: Một trong những hiệu quả quan trọng được tác động từ đề tài đó là cá Lăng chấm, cá Chiên ngoài tự nhiên sẽ có cơ hội để tái tạo quần đàn tăng về quần thể do hạn chế việc khai thác, đánh bắt, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái. Đề tài tạo ra sản phẩm cá giống ổn định sẽ tạo được nghề nuôi ổn định, cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Khi hình thành nghề nuôi người dân sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, nguồn nước để duy trì, phát triển nghề nuôi, tạo thu nhập ổn định của người dân. Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu ứng dụng thành công sẽ xây dựng được quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm, cá Chiên tạo tiền đề cho công tác sản xuất giống, đặc biệt là các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất trong những năm tiếp theo. Thành công của đề tài sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu phục hồi và phát triển một số loài cá khác cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức và điều kiện môi trường không thuận lợi. Kết quả nghiên cứu sẽ tác động tích cực đến các lĩnh vực khoa học khác như bảo vệ nguồn lợi và đa dạng sinh học.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc