Bắc Mê tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng "4 có, 5 cùng"
BHG-Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Bắc Mê đã tổ chức lại sản xuất cho người dân theo hướng “4 có, 5 cùng”. Sau khi tổ chức lại sản xuất, tổng sản lượng lương thực đã đạt trên 3,3 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 560kg/năm; cùng đó, việc đưa máy móc vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cho người dân.
Máy gặt đập liên hoàn của HTX Nông nghiệp thôn Nà Xá tích cực hoạt động trong những ngày mùa năm 2017. |
Tổ chức lại sản xuất cho người dân theo hướng “4 có, 5 cùng” được huyện Bắc Mê triển khai từ năm 2015, theo đó, 4 có là: Có sự chỉ đạo, có Quỹ phát triển thôn, có đầu tư thu hồi và có cùng sở thích. Còn 5 cùng là: Cùng giống, cùng làm đất, cùng cấy lúa, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch. Hiện, huyện Bắc Mê đang thực hiện chương trình “4 có, 5 cùng” trên cây lúa và ngô. Chương trình này được huyện triển khai ở các địa phương có diện tích trồng lúa tập trung, như: Yên Định, Minh Ngọc, Lạc Nông, Yên Phong, Yên Cường và thị trấn Yên Phú.
Những ngày tháng 10 này, trên khắp cánh đồng thôn Nà Xá, xã Yên Định; người dân đang nô nức bước vào vụ thu hoạch lúa Mùa và chiếc máy gặt đập liên hoàn của HTX Nông nghiệp thôn Nà Xá cũng hoạt động hết công suất. Ông Lô Văn Thái, Trưởng thôn Nà Xá, cho biết: Việc thực hiện tổ chức lại sản xuất cho người dân theo chương trình “4 có, 5 cùng” là điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chúng tôi đã tuyên truyền đến toàn thể bà con nhân dân trong thôn, triển khai làm đồng cùng trong một thời gian nhất định; giờ đây, người dân chỉ cần đứng trên bờ rồi vận chuyển những bao thóc vê nhà. Cơ giới hóa đã giúp cho nông dân chúng tôi đỡ vất vả hơn trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả của việc thực hiện “4 có, 5 cùng” đã cho năng xuất cao hơn 20 đến 30%.
Bắc Mê đang thực hiện “4 có 5 cùng” trên 25 “cánh đồng mẫu”, mỗi cánh đồng có từ trên 3 ha trở lên. Theo đánh giá của các địa phương, những cánh đồng thực hiện theo “4 có, 5 cùng” đều cho năng xuất đạt cao. Chỉ tính riêng vụ Xuân năm 2017 ở thôn Nà Xá, xã Yên Định, năng suất lúa đã đạt 6,5 tấn/ha; còn với cách gieo trồng tuyền thống, mạnh nhà nào, nhà ấy làm thì năng suất trung bình chỉ đạt 5,8 tấn/ha. Có thể nói, người dân thay đổi sản xuất từ truyền thống sang “4 có, 5 cùng” đã làm tăng năng suất và sản lượng lương thực từ lúa. Hiện, huyện Bắc Mê đang tiếp tục triển khai và thực hiện mở rộng chương trình này.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Hải Vĩnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bắc Mê, cho biết: Ngay từ đầu năm 2017, ngành Nông nghiệp & PTNT cũng đang tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo để phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức triển khai chương trình “4 có, 5 cùng”. Đối với 4 có, ngành cùng với các xã trước khi triển khai phải tổ chức họp thôn để phổ biến các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn để bà con biết; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con tổ chức thành các nhóm cùng sở thích để sản xuất theo hướng quy mô hàng hóa. Và tham mưu với huyện, bố trí nguồn sự nghiệp của huyện để hình thành Quỹ phát triển thôn, để các thôn tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Đối với 5 cùng, ngành cùng với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền phổ biến các cơ chế hỗ trợ; xác định những thôn có diện tích lớn để tập trung triển khai thực hiện theo hướng 5 cùng.
Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện đã liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức và các đơn vị cung ứng giống, phân bón cho nhân dân; việc cung ứng giống cho nhân dân được thực hiện theo hình thức đầu tư có thu hồi. Theo đó, thôn, xã tổ chức cho bà con đăng ký giống lúa theo chương trình “4 có, 5 cùng”; các đơn vị cung ứng giống sẽ theo đăng ký của người dân, sau vụ lúa người dân sẽ trả lại tiền giống lúa, phân bón thông qua thôn, xã.
Ông Nguyễn Đức Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Định, cho biết: Trong 2 năm thực hiện “4 có, 5 cùng” cho đến nay, được bà con rất đồng tình ủng hộ. Phải khẳng định, việc thực hiện “4 có 5 cùng” đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao tronh sản xuất nông nghiệp; trong những năm tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng mô hình này ra các thôn trong xã.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc