Nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng

08:08, 29/09/2017

BHG - Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu hoàn thành 12 chỉ số trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Mức tăng trữ lượng rừng tự nhiên từ 5-7% so với năm 2015; năng suất rừng trồng đạt 60-70 m3/ha/chu kỳ 7 năm; tỷ lệ thành rừng của rừng trồng đạt trên 85%, sử dụng giống tốt trên 30%/tổng diện tích rừng trồng mới, tổng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 58%, tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên nghìn tỷ đồng, giá trị dịch vụ môi trường rừng 57 tỷ đồng/năm; thu hút ngân sách Nhà nước và đầu tư của nhân dân, doanh nghiệp cho sản xuất lâm nghiệp đạt 200-300 tỷ đồng, có 30 nghìn ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)...

Những chỉ số trên được tỉnh ta đưa ra, nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR). Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của tỉnh nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra BV-PTR bền vững với trên 375 nghìn ha, gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; trồng gần 39 nghìn ha rừng, trong đó có trên 13 nghìn ha trồng mới và gần 23 nghìn ha sau khai thác; trồng 3,8 nghìn cây phân tán; khoanh nuôi, tái sinh gần 21 nghìn ha rừng...

Nhiều mô hình trồng rừng chất lượng cao đang được người dân tích cực triển khai.
Nhiều mô hình trồng rừng chất lượng cao đang được người dân tích cực triển khai.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội, đầu năm 2016, tỉnh ta đã phê duyệt Đề án định hướng phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030. Đề án đã chỉ rõ, nghề rừng và ngành lâm nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta có địa hình cao, dốc trên vùng đầu nguồn, có tính nhạy cảm về sinh thái, hệ thống KT-XH dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu nên lâm nghiệp được xem như nền móng cho sự phát triển bền vững và buộc tỉnh ta phải đi lên từ kinh tế sử dụng đất dốc.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng rừng và để nghề lâm nghiệp thực sự mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, tỉnh ta yêu cầu đối với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, tập trung bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi các diện tích rừng đang tái sinh; phát triển rừng cung cấp gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ, trong đó có rừng cung cấp thảo dược; thực hiện nông lâm kết hợp, canh tác bền vững trên đất dốc, có thể trồng cây gỗ phân tán vào đất cỏ hoặc trồng cỏ vào đất rừng; kết hợp bảo tồn rừng với phát triển du lịch và dịch vụ môi trường rừng; chú trọng phát triển rừng ở khu vực hành lang đường Hạnh Phúc. Đối với 2 huyện phía Tây, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình cao và dốc, cần ưu tiên giải pháp phục hồi rừng bằng khoanh nuôi và phát triển rừng trồng cây gỗ quý, gỗ lớn kết hợp với kinh doanh lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; chuyển đổi trồng hoa màu thành mô hình rừng nông, lâm kết hợp. Các huyện vùng thấp sẽ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị rừng sản xuất gắn với xúc tiến thị trường tiêu thụ, chế biến lâm sản; xây dựng vùng nguyên liệu gỗ tập trung; cải tạo rừng nghèo kiệt để mở rộng diện tích rừng sản xuất theo quy mô cánh rừng mẫu lớn với sự liên doanh sản xuất theo hình thức HTX, nhóm hộ, doanh nghiệp và cấp chứng chỉ FSC...

Theo đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay, các cấp, ngành, huyện, thành phố và mọi người dân đang nỗ lực, thực hiện tốt các giải pháp trong Đề án và đến năm 2020 trữ lượng bình quân/ha của rừng tự nhiên tăng tối thiểu 5 - 7% so với năm 2015; hiệu quả BV-PTR tăng tối thiểu 15%; có tối thiểu 30% diện tích đất không có rừng được tác động thành rừng bằng các loài cây có giá trị kinh tế, cải tạo môi trường. Đồng thời, phấn đấu toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao, cho thuê, khoán bảo vệ để rừng và đất lâm nghiệp có chủ đích thực; nghề rừng được xã hội hóa sâu sắc và tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Đề án này có tác động lớn về mặt về kinh tế, nó sẽ đưa tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt tối thiểu 1.080 tỷ đồng vào năm 2020; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 14 - 16%. Năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2-1,5 lần vào năm 2020, ít nhất 1,5-1,8 lần vào năm 2025 so với năm 2015. Và như vậy, tỉnh ta sẽ thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng.

Ngày 12.1.2017, Ban Bí thư T.Ư Đảng có Chỉ thị 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV-PTR. Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém như: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm... Nguyên nhân của tình trạng trên được Ban Bí thư xác định do nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương.

Nhằm sớm khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư T.Ư Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm  của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, mọi người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BV-PTR; khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; xác định rõ công tác quản lý, BV-PTR là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương...

Chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư Đảng đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta tích cực hưởng ứng, với những giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, rừng tỉnh ta sẽ được quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, có đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và các giá trị xã hội, môi trường.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trồng chuối - giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển

BHG- Từ năm 2015 trở về trước, cây chuối thường chỉ được người dân trồng nhằm tận dụng những diện tích đất trống để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, hay làm thức ăn cho gia súc, nên chưa được đầu tư chăm sóc, thâm canh trở thành hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho người dân. 

28/09/2017
Hiệu quả từ Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn Nậm Lương

BHG- Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang nhận được sự quan tâm của mọi người trong xã hội. Việc trồng rau an toàn, rau sạch đang là hướng đi mới, tất yếu theo nhu cầu của thị trường. Mô hình trồng rau an toàn ở Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đang bước đầu cho thấy hiệu quả, được người tiêu dùng đón nhận. 

28/09/2017
"Khơi" tiềm năng vùng chè Shan tuyết ở Tân Lập

BHG- Xã Tân Lập (Bắc Quang) là vùng có nhiều diện tích chè Shan tuyết – cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, trước đây lợi thế này chưa thực sự được "đánh thức" để góp phần làm thay đổi diện mạo xã đặc biệt khó khăn. Nhưng khi có sự đồng hành của các cấp, ngành, tiềm năng kinh tế vùng chè Shan tuyết Tân Lập thêm cơ hội bứt phá.

28/09/2017
Nông Quốc Thùy quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi

BHG - Dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Nông Quốc Thùy (sinh 1993) ở thôn Chàng Sát, xã Yên Hà (Quang Bình) quyết tâm khởi nghiệp, vượt khó làm giàu với mô hình chăn nuôi cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Anh là một trong những đoàn viên, tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

27/09/2017