Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất vụ Mùa
BHG - Nằm trong vùng lõi Cao nguyên đá, Mèo Vạc là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thiếu đất, thiếu nước sản xuất vào mùa khô mà còn chịu nhiều thiên tai trong mùa mưa. Đứng trước những diễn biến bất thường về thời tiết, thời gian qua, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng trong vụ Mùa.
Theo đánh giá của người dân ở Mèo Vạc, tình hình thời tiết, khí hậu năm nay diễn ra bất thường. Những năm trước, mưa diễn ra khá muộn do mùa khô kéo dài; thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 6 với lượng nhỏ. Năm nay, những cơn mưa lớn diễn ra sớm hơn so các năm trước; mặc dù kịp thời mang lại nguồn nước sinh hoạt, giúp người dân bớt nỗi lo thiếu nước, nhưng do lượng mưa quá nhiều và kéo dài liên tục trong thời gian dài nên gây khó khăn trong sản xuất vụ Mùa. Ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ Xuân, người dân đã tập trung dọn nương, làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Hè – thu; nhưng do mưa nhiều, độ ẩm cao nên nhiều diện tích ngô khi thu hoạch bị mốc, mọc mầm; thu hoạch chậm dẫn đến khâu làm đất, sản xuất vụ Hè – thu không theo kịp khung thời vụ, nhiều diện tích cây trồng không đạt kế hoạch.
Bà con thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi tích cực chăm sóc ngô. |
Mèo Vạc có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiệt độ trung bình từ 18 độ C – 22 độ C, nhiệt độ được phân hoá theo mùa khá rõ rệt; trong năm có 5 tháng nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 20 độ C; lượng mưa bình quân hàng năm 1.400 - 1.600mm nhưng phân bố không đồng đều; lượng mưa chiếm khoảng 90% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt tập trung vào các tháng 5, 6, 7 nên thường gây lũ quét, sạt lở đất, đá; độ ẩm không khí bình quân cả năm khoảng 82%, tuy nhiên trong mùa khô, độ ẩm trung bình giảm mạnh chỉ còn khoảng 55%. Trong thời gian sản xuất vụ Mùa năm nay, mưa kéo dài từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9, không chỉ gây lũ quét, sạt lở đất, làm hỏng các công trình công cộng, nhà ở, hệ thống kênh mương mà còn gây thiệt hại trên 6.400 ha lúa, ngô của nhân dân; nhiều hộ gặp khó khăn trong việc trồng các loại cây theo khung thời vụ. Chị Thò Thị Dính, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, cho biết: “Những năm trước thiếu nước sản xuất. Năm nay, mưa nhiều nhưng mọi người trong thôn vẫn lo vì không trồng được cây ngô, cây đậu. Bây giờ đã trồng xong nhưng cây lớn chậm, thân cây nhỏ hơn. Tranh thủ những ngày nắng, thời tiết thuận lợi, cả nhà đi bón phân, vun gốc để mong không bị mất mùa”.
Qua trao đổi với đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, được biết: Theo kế hoạch sản xuất vụ Hè – thu năm nay, toàn huyện gieo trồng trên 150 ha ngô, trên 2.600 ha đậu tương; cơ cấu giống chủ yếu là các loại đã được trồng hiệu quả từ các vụ trước, như: NK4300, CP999, đậu tương DT84, Hoa kiều. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện mới gieo trồng được 40 ha ngô, đạt trên 26% kế hoạch; đậu tương ước trên 2.300 ha, đạt trên 86% kế hoạch. Để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo diện tích cây trồng, huyện Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động sản xuất, đảm bảo thời vụ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng cho nhân dân khi xảy ra thiệt hại do thiên tai; theo dõi tình hình sâu bệnh để phát hiện và xử lý kịp thời; vận động nhân dân tích cực chăm sóc, bón phân cho các diện tích cây phát triển chậm; tu sửa các hạng mục bị hỏng, tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác chỉ đạo nhân dân chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và tình hình của địa phương; tiến hành trồng xen các loại rau, đậu để tăng hiệu quả sử dụng đất; lựa chọn các loại giống phù hợp với điều kiện của địa phương, có khả năng chịu hạn hán như các loại rau, đậu, bí, dưa chuột...
Với những giải pháp kịp thời, đến nay, toàn huyện Mèo Vạc gieo trồng cơ bản đảm bảo diện tích; các loại cây trồng phát triển ổn định. Một số diện tích lúa vụ Mùa đang cho thu hoạch; cây đậu tương chuẩn bị cho thu hoạch vào tháng 10. Cùng với đó, nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thâm canh, xen canh có chuyển biến tích cực. Đó là nền tảng để Mèo Vạc tiếp tục triển khai hiệu quả các phương án sản xuất và mô hình kinh tế trong vụ Đông năm nay.
TIẾN HẰNG
Ý kiến bạn đọc