Liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tại Bắc Mê
BHG- Bằng việc người dân bỏ đất, bỏ công; doanh nghiệp bỏ vốn, giống, kĩ thuật chăm sóc... là trong những cách thức của việc liên kết giữa “2 nha” doanh nghiệp và người dân. Những rừng chuối xanh bạt ngàn, những chuồng bò được dựng lên với quy mô lớn... Đây là một cách đi mới đang dần làm thay đổi tư duy trong việc phát triển kinh tế của người dân và tạo một màu sắc mới cho kinh tế huyện Bắc Mê những năm gần đây.
Đồng chí Đặng Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thăm mô hình trồng chuối tại Yên Định. |
Bắc Mê là một trong 4 huyện động lực phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng do một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chơ, ỷ lại vào Nhà nước, cùng với đó mặt bằng dân trí còn thấp... nên trong nhiều năm qua, nền kinh tế Bắc Mê vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Nhằm tạo “cú huých”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã áp dụng nhiều mô hình mới cùng nhiều phương thức hỗ trợ người dân trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế. Trong đó việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân được coi là điểm mới trong phát triển sản xuất ổn định, bền vững cho huyện.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp (NLN) đã bắt đầu hình thành và bước đầu có kết quả như: Liên kết với Công ty phát triển NLN Hà Giang thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu tại Yên Định với quy mô 350 ha; liên kết với Công ty TNHH Hà Ngân thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm tại thị trấn Yên Phú với quy mô 300 con; liên kết với HTX Ngọc Sơn xã Minh Sơn thực hiện phát triển vùng trồng nghệ nguyên liệu... Theo đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong liên kết chuỗi sản xuất, huyện đã kêu gọi và có chủ trương trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển NLN. Là cách làm mới, ban đầu chưa nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của người dân và đó là nỗi trăn trở, lo lắng của Ban Thường vụ trong việc làm sao để mô hình có hiệu quả, có lợi cho người dân. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bằng việc tham gia đóng góp và thực hiện đúng quy định của các doanh nghiệp, bước đầu tạo cuộc sống ổn định cho người dân. Từ đó huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nhân rộng những mô hình này...”.
Một trong những mô hình bước đầu mang lại hiệu quả là mô hình trồng chuối với quy mô trên 350ha, là một mô hình mới nên khi triển khai đã gặp phải sự phản đối và không hợp tác của các hộ dân trong việc vận động thuê quỹ đất, bởi khi đó người dân chưa nhìn thấy được lợi ích và hiệu quả của mô hình. Nhưng bằng việc vào cuộc một cách quyết liệt của huyện, của xã đã vận động được người dân tham gia và góp sức. Theo chị Lý Thị Phương, một cán bộ kỹ thuật và cũng là một hộ dân từng rất khó vận động trong việc tham gia mô hình, chị tâm sự: “Trước đây do chưa nhìn thấy hiệu quả và đặc biệt thấy đây là một mô hình lớn, cả thôn ai cũng sợ họ là người lừa đảo nên không ai dám tham gia. Nhưng sau khi được cấp ủy, chính quyền vận động nên mọi người mới đồng tình ủng hộ và đến bây giờ khi nhìn những vườn chuối bắt đầu cho ra quả, ngoài việc tương lai khi được nhận nguồn lợi từ việc bán sản phẩm thì hiện nay mọi người đều được trả công, riêng những người làm kỹ thuật như mình thì đều được đóng bảo hiểm...”.
“Nhận thấy chất đất tại Yên Định rất phù hợp để cây chuối phát triển, đặc biệt là được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nên qua quá trình khảo sát, Công ty đã quyết định đầu tư trồng chuối xuất khẩu tại đây, mới đầu tuy gặp nhiều trở ngại từ phía người dân, nhưng cho đến nay, hơn 20 hộ dân trồng chuối ai cũng làm việc hăng say và dần có kinh nghiệm trong việc chăm sóc. Bên cạnh đo, hàng ngày Công ty cũng thuê từ 40 – 50 người là các hộ dân sống xung quanh xã vào làm việc tại vườn chuối và dự kiến đến năm 2018, toàn bộ công nhân của Công ty sẽ được đóng bảo hiểm. Cho đến thời điểm hiện tại, những cây chuối đã bắt đầu cho quả và phát triển theo đúng quy trình...” - anh Lý Mạnh Cường, Giám đốc Công ty phát triển NLN Hà Giang cho biết.
Cùng với đó là nhiều mô hình đã bắt đầu hình thành như: nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm tại thị trấn Yến Phú, hiện nay đang thi công các hạng mục dự án; trồng nghệ tại Minh Ngọc, hiện nay đã tổ chức trồng được 141 ha, trung bình mỗi 1ha nghệ cho thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng; liên kết với HTX trồng, chế biến tinh dầu hồi xã Đường Âm, hiện tại đã trồng được 156ha, trong đó 120ha đã cho thu hoạch với trên 50 triệu đồng/ha/năm... và một số mô hình, dự án khác đã và đang giúp bức tranh của nền nông nghiệp Bắc Mê hình thành ngày một rõ nét.
Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc