Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng
BHG - Không ngại khó, ngại khổ, anh Vàng A Chung (sinh 1980) là người dân tộc Giáy, sống tại thôn Nà Bưa, xã Mậu Duệ (Yên Minh) đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình từ mô hình vườn-ao-chuồng (VAC).
Anh Chung chăm sóc đàn chim bồ câu của gia đình. |
Đến thăm gia đình anh Chung, đúng lúc anh đang chăm sóc đàn chim bồ câu của ra đình. Đàn bồ câu vài trăm con nghe thấy tiếng gọi, đua nhau bay về ăn ngô, ăn thóc. Để có được thành quả như hiện nay, anh Chung đã có khoảng thời gian rất vất vả. Anh tâm sự, do gia đình nghèo lại đông anh, chị, em nên anh không được đi học. Về sau, anh được tham gia các lớp xóa mù chữ do xã tổ chức; nên giờ có thể đọc thông, viết thạo. Từ ý thức vươn lên, anh Chung không ngừng học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế. Năm 2007, anh lập gia đình, đây cũng là lúc anh phát triển kinh tế từ 10 đôi chim bồ câu. Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi và có truyền thống nuôi chim bồ câu. Tiếp tục phát huy thế mạnh này, anh Chung đầu tư chuồng nuôi nhốt quy củ, có kỹ thuật. Chỉ từ 10 đôi chim bồ câu ban đầu, số lượng đàn ngày càng tăng nhờ anh thực hiện tốt cách chăm sóc chim bồ câu non. Đến nay, gia đình anh có hơn 200 con bồ câu giống địa phương vừa để bán vừa tiếp tục nhân giống tăng đàn. Hai người con của anh lần lượt ra đời, trách nhiệm, gánh nặng với người trụ cột gia đình tăng thêm gấp bội. Anh bàn với vợ thực hiện mô hình nuôi lợn đen sinh sản. Với số vốn dành dụm được và vay mượn thêm họ hàng, anh Chung mua thêm đất và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố. Từ lúc chỉ nuôi 3 con lợn nái, anh Chung tiếp tục tăng số lượng đàn lợn của gia đình. Nhờ tính ham học hỏi, anh đã học và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm trong cách phòng bệnh, chăm sóc cho đàn lợn. Tuy là nam giới, nhưng anh lại trở thành “bà đỡ mát tay” cho không biết bao nhiêu lứa lợn. Đến nay, gia đình anh Chung có 14 con lợn nái và hơn 50 con lợn con. Anh Chung tâm sự, để có nguồn giống tốt nhất, anh chọn những con nái có chất lượng ngay từ đầu. Đàn lợn con sau khi tách sữa sẽ được thương lái và bà con khu vực lân cận đến mua.
Không dừng lại ở đó, với ý tưởng kết hợp VAC, anh Chung chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa của gia đình sang trồng chuối. Với các giống Tiêu hồng, chuối ngự và chuối địa phương,... tổng khoảng gần 700 gốc. Chất thải từ chăn nuôi lợn anh sử dụng làm phân bón cho chuối. Mỗi năm gia đình anh cũng có một khoản thu từ việc bán chuối quả, thân chuối anh tận dụng làm thức ăn cho lợn.
Cùng với đó, anh Chung đào ao với diện tích 600 m2, thả các loại cá như: Trắm, Mè, Chép, Rô-phi... Tận dụng diện tích mặt nước, anh Chung mua thêm lưới về quây để nuôi vịt. Hiện nay, anh có gần 100 con vịt siêu trứng; anh đầu tư mua 1 máy ấp để đảm bảo tự tạo ra con giống chất lượng ngay tại gia đình. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, gia đình anh trồng 0,5 ha ngô lai, 0,2 ha cỏ chăn cá. Đồng thời, anh cũng học cách ủ men thức ăn cho lợn, vịt với các nguyên liệu sẵn có như thân cây chuối, bột ngô,... đàn lợn ăn thức ăn ủ men có sức đề kháng tốt, ham ăn và tiết kiệm được nhiều chi phí.Từ 2 bàn tay trắng, thậm chí từng không biết chữ; anh Vàng A Chung đã nỗ lực học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí; anh còn thu lợi khoảng hơn 100 triệu đồng. Có thể khẳng định: Mô hình VAC của gia đình anh Chung bước đầu đã mang lại hiệu quả, anh cho biết sẽ tiếp tục phát triển mô hình với những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc