Hoàng Su Phì chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc
Là huyện miền núi thường xuyên có hiện tượng rét đậm, rét hại, băng giá khi mùa Đông đến; khiến đàn gia súc bị ốm và chết. Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu, nhưng nguyên nhân chính là do người dân chưa chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi, chưa chủ động dự trữ nguồn thức ăn khiến vật nuôi không đủ sức đề kháng dẫn đến việc giảm khả năng chống chịu với diễn biến thời tiết bất lợi. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền mà việc dự trữ thức ăn cho gia súc được người dân trên địa bàn huyện chủ động tiến hành trước khi mùa Đông đến. Anh Sùng Văn Khún, thôn Thính Nà, xã Đản Ván cho biết: Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Mùa, gia đình anh lại thu gom, tích trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày mùa Đông giá rét. Theo anh Khún, con trâu, con bò là tài sản lớn của cả gia đình; do đó, ngoài đảm bảo nguồn thức ăn thì việc che kín và đảm bảo chuồng trại khô ráo, sạch sẽ trong mùa rét là rất cần thiết. Ngoài ra, gia đình anh còn chú trọng thực hiện tốt công tác tiêm phòng nên đàn bò 5 con của gia đình không bị dịch bệnh và phát triển tốt.
Cán bộ ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật bảo quản và dự trữ cỏ bằng phương pháp ủ chua tại xã Tụ Nhân. |
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện cho biết: Vào mùa Đông, nguồn cỏ trồng và tự nhiên không còn đáp ứng đủ cho gia súc. Do đó, ngay sau khi các xã, thị trấn bước vào thu hoạch lúa chính vụ, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động tích trữ rơm, rạ và một số phụ phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa Đông. Bên cạnh chủ động nguồn thức ăn từ rơm, rạ, người dân cũng cần tập trung chăm sóc diện tích cỏ trồng; bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, cây chuối,... và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Cùng với đó, khuyến khích bà con đầu tư làm mới và tu sửa chuồng trại, che chắn chống rét; nuôi nhốt, không chăn thả gia súc trong những ngày rét hại, rét đậm.
Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò của huyện là trên 28 nghìn con, trong đó đàn trâu là 22.863 con, đàn bò là 5.157 con. Tuy nhiên, diện tích cỏ toàn huyện mới trồng được hơn 2 nghìn ha, chỉ đáp ứng được trên 60% nhu cầu thức ăn xanh cho tổng đàn gia súc. Ngoài việc dự trữ rơm rạ và các phế phẩm nông nghiệp thì phương pháp ủ chua để bảo quản nguồn thức ăn cho trâu, bò cũng đang được bà con nông dân trong huyện tích cực triển khai. Anh Lý Văn Minh, thôn U Khố Sủ, xã Tụ Nhân chia sẻ: Vừa qua, anh được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong mùa Đông. Sau khi được tập huấn, anh và các hộ trong thôn đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật và có thể tự áp dụng được tại nhà. Hiện nay, nguồn cỏ tự nhiên đang dồi dào, gia đình anh sẽ tích cực thu gom cỏ để thực hiện ủ chua, dự trữ đến mùa Đông nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho 4 con trâu của gia đình.
Theo ông Nguyễn Đức Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi) cho biết: So với các phương pháp bảo quản nguồn thức ăn xanh thì phương pháp ủ chua dễ thực hiện hơn. Điều quan trọng nhất trong cách ủ chua là phải tuyệt đối kín, hạn chế không khí tiếp xúc với nguyên liệu trong quá trình ủ. Nếu làm đúng kỹ thuật, thức ăn ủ chua có thể bảo quản từ 6 - 7 tháng mà vẫn đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng trên 80%.
Nhận thức được khối tài sản giá trị lớn từ gia súc, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã và đang dần thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên, hình thành ý thức chủ động dự trữ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc khi mùa Đông đến gần. Tin tưởng rằng với sự chủ động cùng với nhiều giải pháp nhằm dự trữ, đảm bảo nguồn thức ăn như hiện nay sẽ góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc