Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể
BHG - Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức sản xuất cho nông dân giai đoạn 2014 - 2020 ban hành ngày 2.7.2014 đã triển khai được 3 năm. Từ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự quyết tâm của UBND tỉnh, các hình thái kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đổi mới và phát triển đáng kể, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX thương mại, chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì là một trong nhiều HTX hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. |
Trước khi Nghị quyết 02 được ban hành, toàn tỉnh có 226 HTX nông nghiệp, trong đó 155 HTX đang hoạt động nhưng chỉ có 56 HTX hoạt động hiệu quả, 99 HTX hoạt động hiệu quả thấp và 72 HTX chờ giải thể. Hoạt động kinh tế tập thể và tổ chức sản xuất của nông dân khi đó được đánh giá: Với người dân, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; với các HTX, hiệu quả thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất và dịch vụ của 1 nhóm hộ trong cung ứng đầu vào và tiêu thụ một phần sản phẩm đầu ra, chưa tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp...
Sau 3 năm, tính đến tháng 5.2017, toàn tỉnh có 244 HTX nông, lâm nghiệp; trong đó 130 HTX được thành lập mới, 92 HTX đã được chuyển đổi, 8 HTX chưa chuyển đổi và 14 HTX chờ giải thể. Đối với các Tổ hợp tác, đến tháng 5.2017, toàn tỉnh có trên 1.060 tổ, với 33.480 thành viên, tăng 445 tổ so với năm 2014; số vốn, quỹ của các tổ có trên 18 tỷ đồng. Nhóm sở thích cũng phát triển đáng kể với 679 nhóm, với gần 10.000 thành viên, tăng 417 nhóm so với năm 2014; các nhóm có từ 7 - 40 hộ tham gia, với nguồn quỹ đóng góp hỗ trợ sản xuất cho các thành viên từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/nhóm.
Ngoài việc phát triển về số lượng thì chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hình thái kinh tế tập thể cũng được nâng cao đáng kể. Đặc biệt là phát triển mạnh một số hợp tác xã kiểu mới, đặc trưng của tỉnh như: Mô hình HTX thôn Chang, HTX dân quân trồng rừng đã khẳng định hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất cho người dân. Chỉ trong 3 năm, từ mô hình HTX thôn Chang, toàn tỉnh đã có 60 HTX thành lập mới và hoạt động theo mô hình này; 5 HTX dân quân trồng rừng được thành lập. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng mạnh dạn tham gia liên kết thành lập các HTX thanh niên khởi nghiệp. Giải quyết bài toán việc làm cho lực lượng thanh niên, phát huy sức trẻ, tri thức trong phát triển kinh tế.
Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông, lâm nghiệp Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao Mậu Duệ. |
Vị Xuyên, huyện đầu tiên thí điểm thành lập HTX thôn Chang, theo mô hình HTX toàn thôn và được lấy làm điển hình nhân rộng ở các huyện, thành phố trong tỉnh; cũng là huyện đầu tiên xuất hiện những HTX thanh niên khởi nghiệp và có nhiều HTX dân quân được thành lập nhất hiện nay. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên, Trần Mạnh Tuyên, cho biết: Tính đến tháng 8 năm nay, toàn huyện có 47 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản đang hoạt động (tăng 35 HTX so với năm 2014), với 2.000 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng, doanh thu của các HTX năm 2016 đạt trên 15 tỷ đồng. Trong đó có 18 HTX theo mô hình HTX thôn Chang, 3 HTX dân quân trồng rừng, 5 HTX thanh niên khởi nghiệp, 1 HTX phụ nữ... Ngoài ra, huyện có gần 300 tổ hợp tác, nhóm sở thích với gần 13.000 thành viên, tổng vốn góp của tổ hợp tác và quỹ nhóm gần 3 tỷ đồng. Các mô hình kinh tế tập thể đã thay đổi quan điểm, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất cho người dân theo tính liên kết trong các khâu sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Có thể khẳng định, sau khi thành lập mới và chuyển đổi theo Luật HTX 2012 các HTX hoạt động ngày càng rõ nét, hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, như: HTX sản xuất cam VietGap xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang), quản lý 48ha cam, năng suất hàng năm trên dưới 900 tấn, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng; HTX thương mại, chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì (Hoàng Su Phì) liên kết với gần 200 hộ dân trồng củ cải, chè, hàng năm thu mua chế biến và tiêu thụ trên 10 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng; HTX nuôi ong Đức Giang, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên), với xuất phát điểm từ một số hộ nuôi ong nhỏ lẻ, sau khi thành lập có 17 thành viên tham gia, phát triển được 1.000 tổ ong, doanh thu của các thành viên đạt trên 2 tỷ đồng/năm; hay HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh), có sự tham gia của khoảng 30 hộ dân thôn Cốc Cai, hiện nay HTX đã sản xuất được sản phẩm Gạo chất lượng cao với thương hiệu riêng đưa ra thị trường...Anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ nông, lâm nghiệp thôn Cốc Cai chia sẻ: Từ khi thành lập, chúng tôi mới mạnh dạn sản xuất đóng gói loại gạo chất lượng cao của Mậu Duệ. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, hiện nay thương hiệu Gạo Mậu Duệ đang từng bước được khẳng định trên thị trường. Đảm bảo các thành viên và người dân được bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao sau khi thu hoạch, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con.
Để có sự đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, tổ chức lại sản xuất cho người nông dân như hiện nay, ngoài Nghị quyết 02 được ban hành, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng việc ban hành 6 kế hoạch, một nghị quyết có liên quan đến nội dung này. Ngoài ra, nhiều hội nghị liên quan đến lĩnh vực này có sự tham dự, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Điều này đã khẳng định sự quan tâm, quyết tâm lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức lại sản xuất cho nông dân.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc