Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê
BHG - Nhằm kích cầu phát triển kinh tế, trong những năm qua Đảng bộ huyện Bắc Mê đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi gia súc, thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ, qua đó tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm tương đối ổn định. Năm 2016 tổng đàn gia súc có 311.197 con. Đặc biệt trong năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa việc phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm vào Nghị quyết 09 của UBND huyện giai đoạn 2017 – 2020 nhằm vận động hỗ trợ người dân tham gia xây dựng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại.
Mô hình gia trại chăn nuôi trâu, bò nhốt của anh Triệu Văn Công. |
Mô hình gia trại là việc áp dụng các kỹ thuật khép kín từ việc chế biến thức ăn cho đến việc xử lý nước thải và kết hợp nhiều loại hình chăn nuôi, trồng cây ăn qủa, chi phí đầu tư không quá lớn, phù hợp với nguồn lực của người dân. Phát triển kinh tế gia trại cũng đang là xu hướng chung của toàn tỉnh, là bước tiếp cận đầu tiên để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, trong khi đó các mô hình tại huyện đều theo hình thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, huyện đã chọn phát triển kinh tế gia trại với mong muốn tạo một làn gió mới trong phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn theo Nghị quyết 209, huyện đã trích hơn 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại cho các hộ dân.
Bằng việc tìm ra giải pháp, cùng với những tiêu chuẩn phù hợp đã thúc đẩy nhiều hộ mạnh rạn vay vốn mở rộng mô hình của gia đình. Đến thăm các mô hình gia trại của anh Nguyễn Quang Huy, tại thị trấn Yên Phú, là một trong 9 mô hình hiện đang được triển khai và đây cũng là mô hình được Phòng Nông nghiệp huyện đánh giá là đạt và vượt các chỉ tiêu. Với việc đầu tư thuê 4.000m2 đất để xây dựng gia trại, hiện tại anh Huy đã sử dụng hơn 2.000m2 đất để xây dựng hệ thống chuồng và nhà kho, dự tính trong vòng một tháng nữa có thể đưa vào sử dụng. Theo anh Huy tâm sự: “Với việc giống sẵn có kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của huyện, gia đình mới có thể mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi. Mô hình khi đưa vào hoạt động sẽ nuôi được khoảng từ 150 – 160 con lợn, bên cạnh đó từ giờ đến cuối năm gia đình sẽ tiếp tục xây dựng chuồng nuôi gà, bể Bioga, ao cá, nhà ở và một chuồng để chăn nuôi trâu, bò nhốt, ước tính tổng chi phí để hoàn tất mô hình khoảng 1,5 tỷ đồng...”. Tại các mô hình đã đưa vào sử dụng như của gia đình anh Triệu Văn Công, thị trấn Yên Phú thì hiện tại anh bắt đầu đưa 15 con bò vào nuôi thử nghiệm và trồng được hơn 5ha cỏ, chuồng trại với hệ thống máng ăn, bể chứa nước thải đã hoàn tất. Đây cũng được đánh giá là mô hình có tính khả thi cao trong phát triển kinh tế gia đình.
Là chương trình mang tính trọng điểm của huyện, ngoài công tác hỗ trợ, lãnh đạo huyện đã thường xuyên đôn đốc và trực tiếp xuống kiểm tra các mô hình. Đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với việc chọn các đối tượng thực hiện là hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện có mong muốn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đặc biệt có ý chí vươn lên làm giàu, 9 mô hình trên được xem là điển hình, nếu thành công nó sẽ giúp kích cầu và tạo sức lan tỏa rất lớn đối với người dân, vì vậy mỗi mô hình huyện đặt ra những khung tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc xây dựng chuồng trại, chọn con giống, cũng như nghiên cứu thị trường nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm... Hứa hẹn đây sẽ là mảnh ghép giúp bức tranh phát triển kinh tế của huyện trở nên rõ nét hơn”.
Với hướng đi trên, hy vọng rằng mục tiêu của huyện trong năm 2017 là nâng tổng đàn gia súc lên 65.400 con; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 232 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi năm 2017 chiếm 28,6% giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện sẽ sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc