Bắc Quang xây dựng xã điển hình về phát triển kinh tế
BHG - Một quyết sách quan trọng mang tính đột phá vừa được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang triển khai thực hiện. Đó là bước tiến chiến lược đưa xã chuẩn Nông thôn mới (NTM) Quang Minh, Vĩnh Phúc trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế của huyện trong tương lai không xa...
Thực tiễn cho thấy, khi trở thành xã chuẩn NTM, Quang Minh và Vĩnh Phúc đã khoác lên mình diện mạo mới trong phát triển kinh tế. Minh chứng điển hình cho thấy: Năm 2016, tổng giá trị sản xuất của 2 xã đạt 520,7 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/xã đạt 29,9 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn 2 xã đạt 888,7 triệu đồng... Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của xã Quang Minh và Vĩnh Phúc, với mức bình quân 53,2% tổng giá trị sản xuất. Đặc biệt, việc áp dụng linh hoạt, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch khuyến khích phát triển nông nghiệp hiện hành của các cấp... Nền nông nghiệp tại Quang Minh, Vĩnh Phúc từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, có sự liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng phân bón, vật tư, bao tiêu sản phẩm đã giúp 2 xã giành nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của 2 xã đạt 277,2 tỷ đồng. Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng cây hàng năm đạt 62,5 triệu đồng. Sản lượng lương thực bình quân/người/năm đạt 569,7 kg. Cùng với đó, tổng đàn gia súc, gia cầm tại xã Quang Minh, Vĩnh Phúc đạt trên 202,5 nghìn con. Đồng thời, 2 xã đã thành lập được Hợp tác xã toàn thôn Quang Tiến (xã Quang Minh) và Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Phúc), góp phần tổ chức lại sản xuất cho nhân dân theo hướng kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có nhiều bước tiến quan trọng đã nâng tổng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ của 2 xã đạt trên 150,2 tỷ đồng...
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giúp người dân xã Quang Minh nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp |
Mặc dù giành nhiều kết quả ấn tượng như trên, song thực tiễn cũng chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại trong xây dựng NTM đã được chính quyền huyện Bắc Quang thẳng thắn nhìn nhận, đó là: Sự xuất hiện của tư tưởng bằng lòng, tự thỏa mãn trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân các xã đạt chuẩn NTM về kết quả đạt được. Mặt khác, nền kinh tế của Quang Minh và Vĩnh Phúc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xuất phát từ thực tế trên, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang xác định cần thiết phải có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế trong xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; làm thay đổi căn bản nhận thức và sự đồng thuận của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp... Từ chủ trương của BTV Huyện ủy, tháng 5.2017, UBND huyện Bắc Quang đã ban hành Đề án xây định hướng đến năm 2020 dựng xã Vĩnh Phúc, Quang Minh trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế của huyện.
Phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng xã điển hình về phát triển kinh tế (Trong ảnh: Người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc bước vào vụ nhãn) |
Theo đó, để trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế, xã Vĩnh Phúc, Quang Minh, phấn đấu đáp ứng 4 yêu cầu cơ bản, gồm: Quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH, tiềm năng, thế mạnh và phù hợp với quy hoạch phát triển dân cư của xã. Đồng thời, có nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao và loại hình phong phú, đa dạng. Trong đó, các mô hình dựa vào chiều sâu để ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; dựa trên sự liên kết “4 nhà” để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Song song với đó là yêu cầu phát triển bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm hoặc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng; không gây ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy chữ “tín” làm mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của mô hình. Đặc biệt, BCH Đảng bộ xã phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã mình trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, UBND xã cụ thể hóa thành chương trình hành động để tổ chức thực hiện – Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Từ đề án trên, đến năm 2020, xã Quang Minh và Vĩnh Phúc phấn đấu đưa tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2 xã đạt 900 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người/xã đạt 42,5 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng cây lâu năm/xã đạt 75 triệu đồng. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Vùng sản xuất lúa, lạc và cam hàng hóa với tổng diện tích từ 100 – 1.000 ha/vùng/xã. Phấn đấu xây dựng thành công thương hiệu Rau sạch Quang Minh và Cam Vĩnh Phúc… Để thực hiện những mục tiêu quan trọng này, huyện Bắc Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện đến công tác quy hoạch, nguồn lực thực hiện, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện của cấp xã cùng các ngành chuyên môn của huyện. Trên cơ sở đó, nhằm tạo bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế tại 2 xã Quang Minh và Vĩnh Phúc.
Với nền tảng là 2 xã đạt chuẩn NTM, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội tương đối phát triển so với các xã còn lại của huyện Bắc Quang. Kỳ vọng rằng, với quyết sách trên của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang sẽ tạo động lực quan trọng khơi dậy tiềm năng, lợi thế để Quang Minh và Vĩnh Phúc trở thành “đầu tàu” về phát triển kinh tế của huyện trong thời gian không xa...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc