Cần đầu tư cơ sở vật chất chợ phiên Bản Lè, xã Du Tiến
BHG- Chợ phiên Bản Lè nằm ở trung tâm thôn Bản Lè, xã Du Tiến (Yên Minh). Tuy không phải là chợ trung tâm của xã, nhưng số quầy hàng và lượt người dân đi chợ phiên này lại lớn hơn nhiều chợ trung tâm xã Du Tiến. Tuy nhiên, do chợ mới mở được một năm, nên cơ sở vật chất hoàn toàn chưa có. Hàng tuần, các tiểu thương thường bày bán các sản phẩm ngay trên lề đường khiến giao thông đi lại khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Chợ phiên Bản Lè dù mới mở được 1 năm nhưng thu hút nhiều tiểu thương và người dân tham gia. |
Sau khi tuyến đường liên xã Ngọc Long – Du Tiến, của huyện Yên Minh được hoàn thành, được sự nhất trí của huyện và xã, ngày 5.9.2016 chợ phiên Bản Lè chính thức họp phiên đầu tiên. Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến, Nguyễn Văn Kiến cho biết: Bản Lè cách trung tâm xã khoảng 9 km, nhưng lại nằm gần xã Ngọc Long và trung tâm của các thôn phía Nam của xã. Đây cũng là thôn được xã lựa chọn là thôn điển hình về phát triển kinh tế. Trước khi tuyến đường Ngọc Long – Du Tiến chưa được đầu tư xây dựng, người dân ở thôn Bản Lè và các thôn lân cận và xã Ngọc Long cũng thường xuyên tổ chức họp chợ. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn, khó vận chuyển hàng hóa vào nên chợ không phát triển mà cứ mai một dần rồi dừng hẳn. Nhưng, ngay khi tuyến đường hoàn thành, người dân đã kiến nghị và đề xuất với xã cho mở chợ.
Chợ Bản Lè được họp vào sáng thứ 5 hàng tuần. Mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm gian hàng của các tiểu thương với nhiều loại sản phẩm như quần áo, thực phẩm, gia súc hay các đồ dùng cần thiết cho gia đình... Trực tiếp đến chợ Bản Lè trong một phiên đầu tháng 7, tôi thấy dọc tuyến đường trung tâm thôn Bản Lè khoảng 200 m được tiểu thương bày kín các mặt hàng. Điều đặc biệt của phiên chợ này, số lượng tiểu thương và các quầy hàng bán tại chợ chủ yếu là của người dân thôn Bản Lè và một số thôn lân cận. Kinh doanh, buôn bán thuận lợi, thu nhập của nhiều hộ dân trong thôn cũng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, từ khi hình thành chợ, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua đất dọc khu vực họp chợ để xây dựng nhà, mở cửa hàng buôn bán. Điều này cho thấy hoạt động thương mại ở khu vực mở chợ nói riêng và thôn Bản Lè nói chung đang phát triển mạnh.
Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư các hạ tầng thiết yếu của chợ như sân bê-tông, bể nước, nhà vệ sinh... nên hầu như mỗi khi họp chợ, mạnh ai người ấy làm, các tiểu thương bày bán các sản phẩm không theo khu vực nhất định. Và các sạp hàng đều chờm lên lòng đường. Trong khi mặt bằng đường hẹp nên gần như lối đi lại qua chợ bị hạn chế rất nhiều. Hơn nữa, khi mặt bằng hẹp, lượng người đông, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn; nhưng khi trời mưa, đường bẩn ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán của các tiểu thương... Chị Nguyễn Thị Đao, một tiểu thương thường xuyên bán hàng tại chợ và cũng là người dân thôn Bản Lè cho biết: Chợ ở đây mới mở nhưng lại thu hút nhiều tiểu thương và người dân đi chợ hơn chợ trung tâm của xã. Từ khi mở chợ, nhiều người trong thôn đã thường xuyên mang sản phẩm của mình ra bán. Và cũng nhiều hộ trở thành thương lái chuyên đi buôn các mặt hàng ở thành phố vào chợ bán kiếm thêm thu nhập. Nhưng hiện tại, khu vực quy hoạch chợ không có sân bê tông nên khi bày hàng cộng với việc người dân đi chợ nên rất bẩn. Vì vậy chúng tôi phải họp trên đường. Lãnh đạo xã Du Tiến khẳng định: Trước khi đồng ý kiến nghị mở chợ của người dân, xã cùng với thôn đã vận động người dân hiến đất để quy hoạch khu vực chợ và nhận được sự nhất trí cao của nhân dân. Hiện nay, khu vực quy hoạch chợ đã được san ủi mặt bằng một phần. Tuy nhiên, do không có kinh phí đầu tư san ủi mở rộng diện tích và đổ bê-tông nên người dân không họp chợ ở nơi quy hoạch vì không đủ chỗ và không đảm bảo vệ sinh. Cũng như không thể cạnh tranh với các hộ bày bán bên lề đường...
Được biết, trong quy hoạch phát triển chợ phiên Bản Lè, ngoài khu vực buôn bán các mặt hàng thiết yếu như quần áo, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt còn có riêng khu chợ buôn bán gia súc, góp phần thúc đẩy người dân phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Trước đây, bài học từ việc nhà nước thường quy hoạch vị trí đặt chợ cho các địa phương chưa tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng của người dân, cũng như tìm hiểu nhu cầu trao đổi hàng hóa nên đều thất bại. Việc này ở tỉnh ta trước đây cũng đã xảy ra ở một số địa phương. Vì vậy, chợ phiên Bản Lè xuất phát từ mong mỏi, nhu cầu cần trao đổi hàng hóa của người dân nên rất cần hỗ trợ đầu tư và khuyến khích mở rộng. Bởi khu vực nào có chợ, người dân ở đó có điều kiện phát triển kinh doanh, dịch vụ nâng cao thu nhập, đời sống và ở đâu chợ phát triển, nơi đó kinh tế - xã hội phát triển.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc