Thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên) - Điểm sáng mô hình Hợp tác xã toàn thôn
BHG - Xuất phát từ nguyện vọng của đại đa số các hộ gia đình trong thôn với mục đích nhu cầu phát triển liên kết hợp tác tương trợ nhau trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy sức mạnh kinh tế tập thể. Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực và có sự vận động của các cấp chính quyền địa phương về vai trò của kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế hộ gia đình đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nhận thức được vấn đề trên nên các sáng lập viên tại thôn Minh Thành đã tập hợp ý kiến nguyện vọng của bà con trong thôn, cùng nhau xây dựng phương án kinh doanh, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ giúp bà con nông dân tổ chức lại sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.
Đại biểu các huyện, thành phố tham quan mô hình Dồn điền đổi thửa của HTX Minh Thành. |
Hợp tác xã Minh Thành được thành lập vào tháng 1.2016 với 96 thành viên tham gia; Bộ máy của HTX gồm Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành và Ban kiểm soát; Hợp tác xã được chia làm 3 tổ nhóm gồm Trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ, tổng vốn của HTX là 7,2 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Hội đồng quản lý phát triển thôn gắn với HTX toàn thôn. Để mô hình HTX toàn thôn hoạt động hiệu quả và là nhân tố điển hình để nhân rộng. Ban điều hành HTX đã tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: Nhiệm vụ chính trị là lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cấp xã giao; lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương. Nhiệm vụ phát triển kinh tế là tổ chức sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận cho các thành viên, với các phương án sản xuất kinh doanh, dồn điền đổi thửa; phương án trồng gừng trong bao tải; phương án sản xuất lạc giống LV-14; phương án trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap và thành lập các nhóm sở thích để phát triển chăn nuôi.
Sau hơn một năm hoạt động, HTX đã chủ động liên kết, hợp tác với các Công ty, các đơn vị cung ứng đầu vào để huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện một số chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cụ thể là đã tiến hành thực hiện xong chương trình dồn điền đổi thửa trên diện tích 4,2 ha, rút từ 65 hộ xuống 45 hộ quản lý sử dụng và thực hiện thành công mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bấp bênh về nước sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đã trồng xong 4,2 ha cam sành, cây sinh trưởng và phát triển khá, thực hiện phương án trồng gừng, HTX trực tiếp liên kết với Công ty TNHH Nông lâm sản và dược liệu Việt Anh GACP, ngoài ra HTX còn tổ chức thành lập các nhóm sở thích phát triển chăn nuôi gồm: Nhóm chăn nuôi trâu sinh sản 20 hộ với 117 con, trung bình 5 đến 6 con/hộ; nhóm chăn nuôi ong 21 hộ với 170 đàn ong; nhóm nuôi trồng thủy sản 18 hộ với 2,6 ha. Phương án sản xuất lạc giống L14 quy mô 5 ha liên kết với Công ty Quang Minh, Hà Nội sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Cây lạc chủ yếu được trồng xen trong vườn cam đến nay đã cho thu hoạch, ước năng suất đạt 8 tạ/ha, doanh thu ước đạt trên 70 triệu đồng. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX trực tiếp tham gia sản xuất 6 tháng đầu năm 2017 đạt tới 23 triệu đồng/người.
Có thể thấy phát triển HTX gắn với sản xuất theo quy mô thôn, bản, xã có sự đóng góp rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ tổ chức lại sản xuất cho nông dân đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện sản xuất cả địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, giải quyết việc làm cho các thành viên ngay tại địa phương, tăng thu nhập kinh tế hộ ổn định góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều đặc biệt hơn nữa đó là gắn chức năng của HTX với tổ chức cơ sở đảng cấp chi bộ thôn bản, phát triển HTX nằm trong trong mối liên kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới.
Lan Hương
Ý kiến bạn đọc