Quang Bình nhân rộng các mô hình điển hình về sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm
BHG- Những năm gần đây, huyện Quang Bình đã và đang đẩy mạnh phát triển một số mô hình thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) như: Mô hình trồng rau an toàn tại thị trấn Yên Bình; chăn nuôi lợn đen, thỏ thương phẩm ở xã Vĩ Thượng; trồng cam VietGAP ở xã Yên Hà, Hương Sơn; trồng chè VietGAP tại xã Xuân Minh, Tiên Nguyên... góp phần mang đến nguồn sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện.
Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm của anh Vũ Tiến Thành (ngoài cùng bên phải) ở thôn Trung, xã Vĩ Thượng. |
Từ năm 2015 đến nay, thị trấn Yên Bình đã thực hiện phát triển vùng sản xuất rau an toàn của huyện Quang Bình. Ban đầu, thị trấn quy hoạch thí điểm thực hiện tại 1 tổ dân phố, tổng diện tích là 0,48 ha trồng rau, hoa an toàn, với 14 hộ thực hiện. Cùng với việc quy hoạch diện tích, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản suất rau, hoa an toàn cũng được đầu tư đồng bộ: Xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, nhà kho bảo quản phục vụ đầu ra. Người dân tham gia trồng rau, hoa được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh. Khi tham gia thực hiện mô hình này, bà con không sử dụng các loại hóa chất để bón, tưới cho rau, hoa; sử dụng phân chuồng ủ hoai mục thay cho phân hóa học. Để phòng, trừ sâu bọ, người dân sử dụng các biện pháp truyền thống như bắt sâu bằng tay hoặc pha chế thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt ngâm với rượu để phun xịt. Vì vậy các loại rau, hoa, như: Đậu cove, rau dền, rau thơm, mùng tơi, hoa cúc các loại... phát triển tốt cho năng suất, chất lượng, sản lượng khá. Đến năm 2016, thị trấn đưa vào quy hoạch 5 ha diện tích đất để trồng rau, hoa (3 ha trồng rau, 2 ha trồng hoa). Đồng thời, đưa 40% số hộ trong các tổ dân phố có diện tích vườn rau kém giá trị kinh tế được cải tạo đưa giống mới, KHKT mới vào sản xuất để tạo thành hàng hóa có giá trị kinh tế... Chị Hoàng Thị Ngặm ở tổ 4, thị trấn Yên Bình cho biết: “Gia đình tôi có 240 m2 đất lúa chuyển đổi sang trồng đỗ, các loại rau theo mùa. Mỗi vụ cho thu hoạch được hơn 1 triệu đồng/luống”.
Mô hình trồng cam VietGAP tại các xã Hương Sơn, Yên Hà, Tiên Yên... là một trong những mô hình ATTP tiêu biểu của địa phương. Xã Hương Sơn hiện có trên 600 ha cam, trong đó có trên 370 ha cam VietGap, chiếm đến 60% tổng diện tích cam trên địa bàn). Trung bình mỗi ha cam VietGap cho thu hoạch từ 20 - 25 tấn. Năng suất cam VietGap không chỉ cao hơn 15 - 20% so với giống cam thường mà còn có giá khá cao và ổn định khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, chị Đặng Thị Sang cho biết: Để xây dựng thương hiệu cam VietGap Hương Sơn, xã đã chỉ đạo các Tổ sản xuất cam VietGap phải bao quả, đóng hộp và in rõ chỉ dẫn địa lý cụ thể trên bao bì sản phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nông sản để các hộ kinh doanh không trà trộn các mặt hàng cam ngoài vùng vào bán. Cùng với đó, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, đến nay xã có hơn 100 hộ dân đăng ký vay vốn.
Qua tổ thẩm định thực tế đã giải ngân được gần 7 tỷ đồng cho hơn 50 hộ dân được vay vốn phát triển trồng cam, đây là nguồn động lực mạnh mẽ để thúc đẩy mô hình cam VietGap phát triển hơn nữa. Tại thôn Trung, xã Vĩ Thượng, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Vũ Tiến Thành cũng là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh đảm bảo ATTP tại địa phương. Hiện nay, gia đình anh đang chăm sóc hơn 1.000 con thỏ. Nguồn thức ăn cho thỏ là hỗn hợp cỏ, gạo và ngô. Việc phòng, chống dịch, bệnh được đảm bảo thực hiện nên đàn thỏ luôn khỏe mạnh, ít bị bệnh. Mỗi lứa thỏ nuôi 4 - 5 tháng xuất chuồng với giá bán bình quân 70 – 100.000 đồng/kg thịt, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 17 triệu đồng. Hiện nay, anh Thành đã ký hợp đồng tiêu thụ thỏ thịt với 2 nhà máy ở Thái Nguyên và Yên Bái. Anh đang mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng 3 trại nuôi thỏ vệ tinh (mỗi trại chăn nuôi 100 – 200 thỏ mẹ).
Mô hình trồng rau, hoa an toàn tại thị trấn Yên Bình. |
Với việc hình thành các mô hình, các vùng trồng trọt, chăn nuôi rau, thịt an toàn, người dân trên địa bàn huyện Quang Bình đã và đang được sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP. Để nhân rộng các mô hình như vậy, các ngành chức năng địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh đảm bảo tuân thủ các quy định, pháp luật về vệ sinh ATTP; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiếp tục quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo chất lượng ATTP; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức và thị trường. Qua đó, từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, hướng đến một nền phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc