Giải pháp để cây Thanh long ruột đỏ ở Đồng Yên phát triển bền vững
BHG - “Cách đây 4 năm, cháu đã đưa cây Thanh long ruột đỏ về trồng. Lợi nhuận thu về được cả gốc lẫn ngọn. Tuy nhiên, đến nay cháu đang có ý định loại bỏ cây Thanh long để trồng cây khác...” - Đó là lời tâm sự của anh Đỗ Đặng Tuân, đội 1, thôn An Xuân, xã Đồng Yên (Bắc Quang) khi nói về vấn đề bấp bênh giá cả và đầu ra cho sản phẩm Thanh long ruột đỏ.
Anh Đỗ Đặng Tuân trong vườn trong Thanh long ruột đỏ hơn 4 năm tuổi đang sai qủa. |
Đứng trước khu vườn đồi có tới 800 trụ Thanh long ruột đỏ đang sai trĩu quả, anh Đỗ Đặng Tuân cho biết: Cây Thanh long mỗi năm cho gia đình anh 7 lần thu hái. Mỗi lứa cây ra hoa đậu quả chỉ kéo dài có 45 ngày. Giá bán mỗi kg Thanh long dao động từ 18 – 25 ngàn đồng. Thanh long trồng sau 1 năm rưỡi sẽ cho thu hoạch. Ngày đầu Thanh long anh trồng ở Đồng Yên có giá bán “độc quyền” lên tới 35 – 40 ngàn đồng/kg. Ngoài bán quả, anh Tuân còn bán giống cây cho dân làng An Xuân với giá bình quân từ 15 – 25 ngàn đồng/mầm cây. “Cách đây 4 năm, tôi đã bán cây Thanh long được cả gốc lẫn ngọn. Nhiều lúc còn không có đủ giống, đủ quả để cung cấp cho thị trường. Còn giá bán Thanh long sau 4 năm trồng như hiện tại đã mất đi một nửa vì nguồn cung hiện đang rất dồi dào.” – anh Tuân cho biết thêm. Tuy nhiên, giá bán hiện giờ xuống thấp, lợi nhuận thu được không đáng bao nhiêu và khó tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trong thôn An Xuân có rất nhiều gia đình đang có ý định từ bỏ cây Thanh long để tìm cây trồng khác hiệu quả hơn. Vậy trồng cây nào hiệu quả hơn cây Thanh long hiện nay? nhiều gia đình cho là cây cam, cây nhãn... Tuy nhiên, chọn cây nào làm cây trồng chính tiếp theo vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp dứt khoát và đây cũng là lời cảnh báo về hiện tượng “được mùa – mất giá”, dẫn đến hiện tượng trồng rồi chặt bỏ đã diễn ra khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua.
Vấn đề đặt ra trước mắt cho anh Tuân cũng như nhiều gia đình đang trồng Thanh long trong thôn là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu, không có thị trường tiêu thụ ổn định thì người trồng Thanh long tại An Xuân có trên chục ha đang cho thu hoạch sẽ gặp khó khăn. Anh Tuân và nhiều gia đình khác cho rằng, nếu không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định họ sẽ loại bỏ cây Thanh long để tìm cây trồng khác...?
Tâm sự của anh Đỗ Đặng Tuân và nhiều người dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên sau 4 năm đưa cây Thanh long ruột đỏ về trồng đã, đang để lại nhiều suy tư: Giá bán mỗi kg Thanh long tại các vùng trồng Thanh long trọng điểm ở Ninh Thuận và An Xuân không có gì khác nhau. Vậy sao, người trồng Thanh long ở Bình Thuận vẫn thu về tiền tỷ cho mỗi ha/năm, còn tại xã Đồng Yên tại sao người trồng Thanh long lại có ý định loại bỏ? Tham khảo kỹ ý kiến những người trồng Thanh long trong thôn An Xuân mới biết: Cây Thanh long mỗi năm có thể cho thu hoạch tối đa tới 7 lứa. Nếu cứ để cả 6 đến 7 lứa ra hoa, lấy quả thì chất lượng quả Thanh long sẽ bị giảm sút. Trong đó có quả nhỏ, mẫu mã xấu, ít ngọt... Phần đa người trồng Thanh long ở An Xuân cho rằng phải thay đổi cách thâm canh để thu được sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn. Nhưng cái khó của người trồng Thanh long trong thôn chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hướng đi của các gia đình trồng Thanh long thôn An Xuân là thành lập HTX. Tuy nhiên, HTX Thanh long này hoạt động sao cho hiệu quả, tìm kiếm thị trường ở đâu vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ? Có 2 lý do hạn chế hoạt động sản xuất và kinh doanh của HTX đó là: Trình độ quản lý và công tác tiếp cận thị trường. Vì rằng, từ Giám đốc HTX đến các thành viên HTX đều xuất phát từ những người nông dân. Công việc của những người nông dân là trồng cấy, thu hái. Việc tiếp thị, tìm kiếm các nơi tiêu thụ đối với người nông dân là hoàn toàn xa lạ. Do vậy, công việc tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn chỉ dừng lại ở một “góc nhỏ” trong thị trường rộng lớn mà thôi.
Còn về phía chính quyền cơ sở xã Đồng Yên làm thế nào để hỗ trợ người trồng Thanh long tiêu thụ sản phẩm? Trước mắt là tạo điều kiện hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi. Tiếp đó là mời gọi doanh nghiệp liên kết cùng các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm làm ra. Sau nữa là khuyến cáo bà con không vội mở rộng diện tích trồng Thanh long khi chưa có thị trường bao tiêu sản phẩm... Tuy nhiên, công việc mời gọi, lôi kéo liên kết vẫn còn hạn chế, chưa có lối thoát, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong huyện và tỉnh giúp đỡ nhà nông.
Để cây Thanh long ruột đỏ phát triển bền vững ở An Xuân không cách nào khác là phải “dừng lại” trên diện tích đã có. Còn giải pháp trước mắt cần thực hiện đó là giảm thời vụ thu hoạch Thanh long từ 6 – 7 vụ/năm xuống còn khoảng 4 vụ/năm để nâng cao chất lượng chăm bón thâm canh nhằm mang lại năng suất cao hơn, mẫu mã đẹp hơn cho tiêu dùng. Ghi nhận tại một số ít gia đình đã hạn chế vụ thu hoạch quả để dưỡng cây cho thấy: Thanh long thu hoạch 4 vụ/năm sẽ cho quả to, đẹp, ngọt đậm, dễ bán. Và đấy cũng là lý do chính đáng để người trồng Thanh long làm giảm, dãn thời gian thu hoạch và cũng là giảm, dãn thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm cho người trồng Thanh long trong giai đoạn hiện nay.
Điều cần nói thêm là, cây Thanh long ruột đỏ là cây trồng mới được phát triển thành công trên đất Bắc Quang nói riêng và Hà Giang nói chung. Sản phẩm Thanh long ruột đỏ đã mang lại sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cho tỉnh nhà. Do đó, cây trồng này cần sự quy hoạch, quảng bá cùng sự liên doanh, liên kết để cây trồng có chỗ đứng vững chắc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, là cơ hội để các nhà vườn phát triển kinh tế hỗ trợ tích cực cho công tác xoá đói, giảm nghèo tại các địa phương.
Bài, ảnh: Nhật Hồng
Ý kiến bạn đọc