Chè hữu cơ – hướng đi mới trong nâng cao giá trị sản phẩm chè ở Hoàng Su Phì
BHG- “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng sinh học, giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật...” chính là phương thức canh tác thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản theo hướng phát triển ổn định bền vững. Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì chú trọng xây dựng các vùng chè trọng điểm theo hướng VietGap và hữu cơ, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè ra thị trường.
Người dân thôn Trà Hồ, xã Tả Sử Choóng chăm sóc chè sau mỗi vụ thu hoạch. |
Phát triển chè hữu cơ ở Hoàng Su Phì là một hình thức canh tác không sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cho cây trồng. Mục đích hàng đầu là hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe của con người và bảo vệ hệ sinh thái môi trường. Toàn huyện hiện có trên 225 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu tập trung tại các xã: Tả Sử Choóng, Hồ Thầu, Túng Sán, Thông Nguyên. Dự kiến trong năm 2017 sẽ cấp chứng nhận thêm 150 ha chè hữu cơ tại xã Túng Sán, nâng tổng diện tích chè hữu cơ của toàn huyện lên 375 ha. Với diện tích chè gần 190 ha, sản lượng hàng năm đạt 640 tấn, xã Tả Sử Choóng là một trọng những vùng trọng điểm về cây chè của huyện. Đồng chí Ma Seo Vần, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, xã tập trung tuyên truyền, khuyến khích các hộ trồng chè chăm sóc chè an toàn, không sử dụng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ đầu vụ chè đến nay bà con đã thu hoạch được khoảng 60 tấn chè tươi, sản lượng này được xưởng chè thu mua với giá ổn định. Nhiều hộ gia đình nhờ trồng chè theo phương pháp hữu cơ đã có nguồn thu 40 - 50 triệu đồng/năm.
Năm 2014, nhận thấy tiềm năng phát triển chè hữu cơ, Hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên) đã mở rộng nhà xưởng chế biến, đầu tư trang, thiết bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè hữu cơ, an toàn. Từ đây, sản phẩm chè hữu cơ của người dân đã có đầu ra ổn định. Giá thu mua chè búp tươi tăng dần theo từng năm, năm 2017 đạt bình quân 14 – 16 nghìn đồng/kg. Anh Triệu Văn Mềnh, Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ chia sẻ: HTX luôn hướng tới sản phẩm chè sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chè sang các thị trường EU, Nhật và Đài Loan, trước tiên HTX phải đảm bảo chất lượng chè từ khâu sản xuất đến khi thành sản phẩm, trực tiếp các chuyên gia của đối tác đến tận nơi để kiểm định chất lượng, nếu đảm bảo họ mới ký tiếp đơn hàng. Thời gian qua, giá thu mua chè tươi cho bà con nông dân được HTX điều chỉnh tăng liên tục để xứng đáng với sức lao động và giá trị sản phẩm chè hữu cơ của người dân.
Sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân đã tạo ra sản phẩm chè an toàn và có uy tín trên thị trường, nhờ đó đời sống của người trồng chè cũng được cải thiện. Để cây chè phát triển bền vững, ổn định, huyện Hoàng Su Phì đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 575,5 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 4.800 ha; duy trì sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 12.000 tấn. Ngoài ra, huyện cũng phân vùng nguyên liệu chè của 10 xã trọng điểm cho 6 HTX và 153 cơ sở chế biến chè trên địa bàn nhằm ổn định về giá thu mua chè, tránh tình trạng ép giá; khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến chè đẩy mạnh việc xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký thương hiệu; người trồng chè chú trọng đến khâu chăm sóc, thu hái chè đảm bảo chất lượng.Việc nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng, môi trường bằng những giải pháp canh tác hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng an toàn và giá trị, từ đó giúp nông dân tăng thu nhập một cách bền vững; đồng thời, cải thiện, khôi phục hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường tự nhiên. Đó là hướng phát triển cây chè một cách bền vững trong tương lai mà huyện Hoàng Su Phì đang hướng tới.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc