Hội CCB Quang Bình phát huy bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong phát triển kinh tế
BHG- Hội Cựu Chiến binh (CCB) huyện Quang Bình có tổng số 2.722 Hội viên đang sinh hoạt ở 17 tổ chức cơ sở Hội, trong đó có 15 cơ sở Hội khối xã, thị trấn, 2 cơ sở Hội cơ quan và có 127 Chi hội cơ sở thôn, bản. Bên cạnh đó, Hội xây dựng được 16 Hội đồng ngũ ở các xã, thị trấn. Trong những năm qua, các thế hệ CCB toàn huyện luôn phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”; nay trở về địa phương luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, động viên nhau trong lao động sản xuất và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hội viên CCB huyện Quang Bình thường xuyên tham gia các phong trào TDTT nhân các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước. |
Để nâng cao đời sống cho hội viên, Hội CCB huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện vay vốn cho hội viên phát triển kinh tế; đến nay, nguồn vốn mà Hội được vay với tổng số trên 55 tỷ đồng, với 2.218 hộ hội viên tham gia vay vốn. Qua kiểm tra, nhìn chung vốn vay do Hội CCB quản lý đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Việc thu hồi nợ, lãi cơ bản đúng kỳ hạn. Từ nguồn vốn vay, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn hội viên và nông dân và tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng nguồn thu nhập cho hội viên. Từ nguồn vốn được vay, nhiều gia đình hội viên đã phát huy được hiệu quả và xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đa dạng, như: Hội viên Nguyễn Đình Trá, Nguyễn Mạnh Hường, Nguyễn Văn Triều... CCB xã Tân Bắc, sản xuất cây giống, nuôi lợn thịt, trâu sinh sản, kinh doanh dịch vụ... hàng năm doanh thu đạt từ 200 - 500 triệu đồng/hộ, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương, có mức lương 3 triệu đồng/tháng. Hội viên Bàn Văn Khởi, Lưu Tiến Long, Lưu Đình Cát, Hoàng Ngọc Linh (xã Hương Sơn); Đào Duy Tiến, Nguyễn Văn Ninh, Đào Xuân Hồng... (xã Yên Hà) và nhiều hộ hội viên ở các xã Tiên Yên, Vĩ Thượng, Tân Trịnh, Tân Bắc,... trồng cam theo hướng Vietgap với hơn 350 ha; hàng năm thu từ 300 - 600 triệu đồng/hộ; hội viên ở một số xã kinh doanh, sản xuất chế biến chè điển hình, như: Hoàng Bình Phương (xã Hương Sơn); Phụng Sùn Chìu (xã Xuân Minh)... hàng năm có thu nhập từ 70 - 120 triệu đồng; một số hội viên kinh doanh dịch vụ tổng hợp hàng năm thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng; hội viên Nguyễn Văn Quân, Hoàng Văn Phổ (xã Xuân Giang); Hoàng Kim Sông, Hoàng Ngọc Linh (xã Hương Sơn)... chăn nuôi vịt, cá bỗng với diện tích ao hồ trên 25.000 m2 và các loại cây ăn quả khác, thu nhập hàng năm từ 300 - 350 triệu đồng/hội viên; mô hình của hội viên Nguyễn Văn Công (xã Tân Trịnh), hàng năm nuôi và xuất lợn thịt từ 8 - 12 tấn, kết hợp với nuôi gà đồi từ 200 - 300 con và dịch vụ thức ăn gia súc; hàng năm thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng...
Từ phát triển các mô hình kinh tế, các gia đình hội viên đã đầu tư cho con cái theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đầu tư kiến thiết xây dựng nhà cửa, mua sắm các tiện nghi có giá trị trong gia đình; góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp, HTX do hội viên CCB làm chủ cũng ngày càng được đẩy mạnh, hoạt động sản xuất có hiệu quả; với các ngành nghề chủ yếu là ươm giống cây trồng, chế biến nông, lâm sản, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và các hoạt động khác. Hàng năm, nguồn thu nhập của các doanh nghiệp, HTX trừ chi phí sản xuất còn có lãi hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn, giải quyết việc làm cho hàng trăm hội viên. Đến nay, cơ bản không còn hộ hội viên phải ở nhà tạm...
Có thể nói, những kết quả đạt được như hôm nay, ngoài sự cố gắng khắc phục khó khăn của từng hội viên CCB là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện giúp đỡ để hội viên CCB từng bước vươn lên, cùng với gia đình tham gia vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho chính mình và cho quê hương.
NGUYỄN XUÂN THỦY (TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH)
Ý kiến bạn đọc