Hiệu quả từ việc nhân rộng giống lúa thuần chất lượng cao Japonica ĐS1 tại xã Mậu Duệ
BHG- Năm 2013, huyện Yên Minh thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao Japonica ĐS1 gắn với cánh đồng mẫu” của Sở Nông nghiệp và PTNT tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Sau 5 năm, giống lúa này vẫn tiếp tục được nhân dân tin dùng bởi ít sâu bệnh, phù hợp với cơ cấu vụ Xuân và vụ Mùa; chất lượng gạo ngon, giá bán cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng lúa.
Cánh đồng lúa Japonica ĐS1 thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ đang kỳ trổ bông. |
Về xã Mậu Duệ những ngày này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang chăm sóc lúa Xuân. Tiếng cười nói vui vẻ vang cả cánh đồng của thôn Cốc Cai, vì cây lúa năm nay trổ bông đều, ít bị sâu bệnh hại; hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Gia đình ông Nguyễn Văn Hà tham gia thực hiện mô hình từ những ngày đầu tiên, ông chia sẻ: “Trước đây, với diện tích 0,2 ha đất lúa, gia đình chủ yếu cấy giống lúa lai Nhị ưu 838 và Cương ưu 725; phải mất nhiều công chăm sóc, nhất là thời điểm lúa trổ bông, thường xuyên phải phun thuốc chống sâu đục thân... Năm 2013, được xã vận động tham gia mô hình thử nghiệm giống lúa ĐS1, ban đầu cũng lo vì là thử nghiệm; nhưng khi chăm sóc, tôi thấy giống lúa này có những hiệu quả thiết thực, như: Ít sâu bệnh, chống hạn tốt, cho năng suất cao và giá bán ra thị trường cũng cao hơn. Đến nay, không chỉ gia đình tôi mà các hộ trong thôn đều sử dụng giống ĐS1 cho toàn bộ diện tích trồng lúa của gia đình”.
Vụ Xuân năm 2017, diện tích lúa của huyện Yên Minh là 426,5 ha, trong đó, diện tích lúa chất lượng cao Japonica ĐS1, ĐS3 là 170,4 ha; chiếm gần 40% diện tích gieo trồng. Đồng chí Nguyễn Đình Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh cho biết: “Cây lúa ĐS1 sinh trưởng phát triển tốt, có bộ lá xanh đậm, khoẻ, hạt bầu ít rụng, nảy mầm chậm, chịu thâm canh. Ở vụ Xuân chịu lạnh tốt, vụ Mùa chịu hạn tốt, thích hợp với điều kiện của địa phương. Hơn nữa, lúa ĐS1 là lúa thuần nên có thể sử dụng để làm giống cho những vụ sau. Từ việc thực hiện mô hình, bà con đã biết thâm canh trong sản xuất, thực hiện các kỹ thuật tiến bộ, như: Gieo mạ có che phủ nilon, kỹ thuật nhổ và cấy mạ non, thực hiện 5 cùng là: Cùng giống, cùng gieo cấy, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh, cùng thu hoạch”.
Tại xã Mậu Duệ, diện tích ĐS1 là 101 ha, xã có 17 thôn thì có 8 thôn đang sử dụng giống lúa này. Tại những thôn vùng cao do địa hình dốc, đá; không có hệ thống tưới tiêu nên chưa thể sử dụng giống lúa ĐS1. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lã Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Duệ cho biết: “Trước đây, người dân thường cấy các giống lúa một cách tự phát, còn bây giờ bà con đã cùng sử dụng giống ĐS1, hình thành vùng sản xuất tập trung. Từ những kết quả thực tế, lúa ĐS1 cho năng suất từ 60-65 tạ/ha, cao hơn so với giống thuần khác trồng tại địa phương từ 5-7 tạ. Do đó, diện tích sử dụng giống lúa ĐS1 ngày càng được mở rộng, tăng hệ số sử dụng đất, bà con rất đồng tình, ủng hộ. Hơn cả, giống lúa ĐS1 có giá trị kinh tế rất cao; giá bán hiện trên thị trường là 20.000 đồng/kg, tùy vào thời điểm giá có thể cao hơn”.Với phương châm sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng và để gạo ĐS1 có chỗ đứng trên thị trường, năm 2016, HTX Nông - lâm nghiệp thôn Cốc Cai ra đời và đứng ra thu mua gạo cho bà con. Đến nay, đã đăng ký nhãn hiệu và cho ra thị trường thương hiệu “Gạo sạch Mậu Duệ”. Có thể nói, từ những hiệu quả của giống lúa ĐS1 đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất thành hàng hóa và đang tạo thành vùng lúa đặc sản cho địa phương. Từ những giá trị về mặt kinh tế, thúc đẩy bà con nông dân tích cực tham gia sản xuất hàng hóa, góp phần xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững.
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc