Xã Tùng Vài trồng cỏ Hắc mạch nuôi trâu, bò
BHG - Bên cạnh trồng các loại cỏ có sẵn từ trước, người chăn nuôi trâu, bò ở xã Tùng Vài (Quản Bạ) đã trồng thêm loại cỏ mới là Hắc mạch, để bổ sung dinh dưỡng cho đàn gia súc.
Diện tích trồng cỏ Hắc mạch ở thôn Bản Thăng. |
Trồng cỏ gắn với chăn nuôi trâu, bò là một trong những nghề chính của người dân ở xã Tùng Vài. Để đàn trâu, bò phát triển khỏe mạnh, tăng nhanh thể trọng; người chăn nuôi ở đây còn chủ động tìm kiếm và trồng thử nghiệm giống cỏ Hắc mạch, một loại cỏ giàu dinh dưỡng cho đàn gia súc. Đến thăm hộ anh Lò Sào Vinh, ở thôn Tùng Vài Phìn; được anh chia sẻ: “Nhà tôi chăn nuôi trâu, bò từ nhiều năm nay, vừa qua còn vay thêm vốn để mở rộng chuồng trại, mua con giống. Để tăng dinh dưỡng cho đàn gia súc, tôi còn trồng thêm cỏ Hắc mạch, ở địa phương gọi là cỏ mượt từ 3 năm nay rồi. Tôi mua giống ở Trung Quốc về với số lượng 3 kg giống trồng trên diện tích 1.000 m2. Cỏ này có nhiều dưỡng chất, tôi thường trộn cỏ Hắc mạch chung với cỏ thường cho trâu ăn để giúp gia súc lớn nhanh hơn. Hiện, nhà tôi có 7 con trâu, hàng ngày tôi đều trộn cỏ này cho ăn”. Tuy nhiên, loại cỏ này có nhiều dinh dưỡng nên phải trộn chung với loại cỏ khác hoặc cám rồi mới cho gia súc ăn, nếu cho ăn riêng thì gia súc sẽ bị tiêu chảy do có nhiều chất không thể tiêu hóa hết được”.
Ông Hà Huy Trước ở thôn Bản Thăng, là thôn có diện tích cỏ Hắc mạch lớn, cho biết: “Giống cỏ này được người dân trong thôn bắt đầu trồng từ vài năm trước và lấy giống ở Trung Quốc, do một số người dân địa phương đi buôn, bán mang về. Loại cỏ này rất tốt, chúng tôi thường trồng vào mùa Đông để làm thức ăn cho trâu, bò, lợn, gà, vịt, cá... do cỏ mềm, nhiều dinh dưỡng. Mới đầu chỉ có một vài hộ trồng cỏ Hắc mạch, sau khi thấy có hiệu quả nên nhiều hộ khác trong thôn cũng trồng theo, bây giờ hầu hết các gia đình đều có một vườn cỏ mượt.
Tìm hiểu thêm về hiệu quả của giống cỏ mới, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài, Nguyễn Trọng Tùng, cho biết: “Người dân ở xã trồng loại cỏ Hắc mạch từ năm 2014, đến nay toàn xã có 7,4 ha cỏ Hắc mạch để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ khi có một số hộ trong xã trồng loại cỏ này, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện đến khảo sát, theo dõi và thấy cỏ Hắc mạch không làm ảnh hưởng đến đất canh tác vụ sau; khi thu hoạch hết cỏ thì vụ sau cỏ không mọc lên nữa. Qua vài năm trồng lúa vào vụ tiếp theo đều thấy không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây lúa”. Trước khi để người dân trồng đại trà, xã đã tìm hiểu thêm thông tin về loại cỏ này qua các trang mạng, chuyên gia và được biết đây là giống cỏ Hắc mạch, có hàm lượng dinh dưỡng cao, dùng để làm thức ăn cho các loại gia súc, gia cầm, cá. Có thể nói, xã Tùng Vài là nơi trồng cỏ đầu tiên và có diện tích tương đối khá. Xã cũng mong các ngành chức năng giúp đỡ cung cấp thêm thông tin về giống cỏ này để người chăn nuôi ở địa phương có thêm các thông tin hữu ích trong việc trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc