Cần tháo gỡ khó khăn trong bàn giao, tiếp nhận lưới điện nông thôn
BHG- Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 60 công trình lưới điện hạ áp (LĐHA) nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành, đã gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và ngành Điện trong việc quản lý, còn người dân phải mua điện giá cao; ngành Điện bán hàng theo hình thức nhiều hộ dùng chung công tơ tổng.
Công nhân Điện lực thành phố Hà Giang bảo dưỡng đường dây trước mùa mưa bão. |
Chương trình cấp điện nông thôn miền núi theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 08.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ do Sở Công thương làm chủ đầu tư, tỉnh Hà Giang được đầu tư cấp điện lưới Quốc gia cho 576 thôn, bản của 146 xã trong 11 huyện, thành phố chưa có điện Quốc gia (công trình 2081). Để đảm bảo hiệu quả KT-XH của dự án và tính khả thi trong quá trình đầu tư xây dựng, bố trí nguồn vốn phân kỳ từng năm cho phù hợp với tình hình thực tế; ngày 27.10.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện lưới Quốc gia tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020 và chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014-2015), đầu tư xây dựng 79,379 km đường dây trung áp (ĐDTA); 144,319 km đường dây hạ áp (ĐDHA); 50 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 2.285,5 kvA, cấp điện cho 3.558 hộ của 77 thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2 (2017-2018), đầu tư xây dựng: 110,889 km ĐDTA; 196,469 km ĐDHA; 62 TBA, tổng công suất 3.354 kvA, cấp điện cho 4.795 hộ của 82 thôn, bản. Giai đoạn 3 (2019-2020) đầu tư xây dựng 400,417 km ĐDTA; 602,801 km ĐDHA; 192 TBA, tổng công suất 11.493 kvA, cấp điện cho 16.910 hộ của 313 thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Tổng mức đầu tư 3 giai đoạn của dự án là 1.450 tỷ đồng.Thực hiện dự án giai đoạn 1 đến nay, theo số liệu của Sở Công thương có 62 đầu điểm công trình được đầu tư xây dựng với tổng dự toán 253,358 tỷ đồng; trong đó, có 46 công trình thi công hoàn thành đóng điện cấp cho 2.550 hộ, còn 16 đầu điểm công trình đang thi công. Đối với các công trình thuộc dự án sử dụng ngân sách Nhà nước (xóa đói, giảm nghèo, 30a, di dân...) do tỉnh làm chủ đầu tư có 56 đầu điểm công trình đã hoàn thành quyết toán cấp điện cho 3.389 hộ và 45 đầu điểm công trình chưa hoàn thành quyết toán cấp điện cho 1.561 hộ (dự kiến 2018 hoàn thành).
Theo dự kiến năm 2017, Công ty Điện lực Hà Giang sẽ tiếp nhận 46 đầu điểm công trình 2081 đã hoàn thành và 56 đầu điểm công trình dự án xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) đã quyết toán và năm 2018 tiếp nhận 16 đầu điểm công trình 2081 đang thi công và 45 đầu điểm công trình XĐGN của tỉnh chưa quyết toán.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Hiện, các công trình cấp điện thuộc Dự án 2081 và các dự án cấp điện thôn, bản theo các nguồn vốn XĐGN của tỉnh làm chủ đầu tư, các dự án hoàn thành đủ điều kiện đóng điện, nhưng do vướng mắc trong bàn giao tài sản; nên hiện, công ty chỉ đóng điện vận hành và bán điện tại đầu trạm theo giá cụm sinh hoạt bậc thang, nhằm phục vụ công tác chính trị cấp bách tại địa phương. Không bàn giao, tiếp nhận được những công trình này, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tăng khối lượng quản lý tài sản; chi phí cho quản lý vận hành không có; nhân lực không được bổ sung; công tác bảo trì sửa chữa và khắc phục sự cố khi có yếu tố thời tiết, thiên tai gặp nhiều khó khăn do ngành Điện không có kinh phí để thực hiện việc duy tu bảo đưỡng và đầu tư phát triển khách hàng; đặc biệt là người dân hưởng lợi từ dự án lại phải chi trả tiền điện cao hơn...
Tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao các công trình điện đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cho ngành Điện quản lý tại tỉnh ta được biết; cuối năm 2015, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4.12.2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LĐHA nông thôn, Sở Tài chính đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đầu điểm và giá trị tài sản công trình lưới điện hạ áp nông thôn hoàn thành, quyết toán trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, việc phê duyệt danh mục đầu điểm và giá trị tài sản công trình LĐHA nông thôn hoàn thành quyết toán để giao tài sản cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành lại vướng; bởi cuối năm 2015, Bộ Tài chính có Công văn số 15301 gửi các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố nêu rõ: Việc bàn giao này là điều chuyển tài sản của Nhà nước sang cho doanh nghiệp, không thuộc đối tượng áp dụng của các thông tư nêu trên (Thông tư 32) mà phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Cụ thể, theo Nghị định 52/2009/NĐ – CP, ngày 3.6.2009 thì việc điều chuyển tài sản Nhà nước chỉ được thực hiện giữa các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao, tiếp nhận LĐHA nông thôn của các chương trình dự án từ vốn ngân sách Nhà nước; ngày 6.3.2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với Công ty Điện lực Hà Giang, Sở Công thương, Sở Tài chính, tuy nhiên kết quả họp bàn vẫn chỉ dừng lại ở mức... chờ hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương!
Hà Giang là một tỉnh biên giới khó khăn, địa bàn dân cư thưa thớt, việc thu hút vốn đầu tư để đầu tư lưới điện phục vụ nhân dân là hết sức khó khăn. Việc kinh doanh mua, bán điện ở các khu vực miền núi, vùng sâu, xa đều là hoạt động công ích, do đó rất cần các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về phương thức bàn giao và cách thức hoàn trả vốn đối với những công trình điện nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách cho ngành Điện nhằm tạo thuận lợi, giảm khó khăn cho công tác quản lý, vận hành lưới điện và hơn thế nữa là để người dân vùng cao được sử dụng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc