Triển vọng từ mô hình ủ thức ăn chăn nuôi bằng men vi sinh ở thôn Nà Vìn
BHG- Thời gian qua, việc ủ chua cỏ để dự trữ thức ăn chăn nuôi vào mùa lạnh ở huyện Quản Bạ đã được Trạm Khuyến nông huyện phổ biến khá rộng rãi. Tuy nhiên, việc ủ thức ăn bằng men vi sinh (MVS) để chăn nuôi lợn với quy mô lớn, không theo kỹ thuật ủ chua cỏ của huyện để chăn nuôi trâu, bò của hộ ông Nguyễn Văn Thời ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) là hộ đầu tiên áp dụng, đã mở ra triển vọng về phương pháp chăn nuôi mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thời thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ cho lợn ăn bằng thức ăn ủ men vi sinh. |
Cách đây hơn 2 năm, khi chưa biết đến chăn nuôi lợn bằng thức ăn ủ MVS, cũng như nhiều hộ ở vùng cao chủ yếu sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi; ông Thời chỉ trồng ngô và nuôi vài con lợn theo phương pháp truyền thống là băm rau, nấu cám, việc nuôi lợn chưa có kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhà lại chỉ có hai vợ chồng, con gái lớn đi học xa, còn con nhỏ đang học Tiểu học; kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy, nếu chỉ trồng trọt, chăn nuôi mãi theo phương pháp cũ, thì không đủ nuôi con cái ăn học. Cuối năm 2014, ông đã tự tìm hiểu xung quanh vùng và ngoài tỉnh về cách chăn nuôi lợn. Ông Thời đã quyết định trồng 6.000 m2 cỏ voi, cỏ mật, ngô và xây gần 10 chuồng nuôi lợn, mua máy chế biến thức ăn chăn nuôi 3A để chăn nuôi lợn bằng phương pháp ủ MVS.
Ông Thời cho biết: “Tôi thấy bà con ở đây quanh năm luôn nghèo, nuôi vài con lợn bán đi cũng chỉ đủ ăn. Nhiều năm trước, 2 vợ chồng tôi lao động cật lực cũng chỉ nuôi được hơn 10 con lợn mà vất vả nấu cám, trồng rau. Tận dụng nhà có nhiều diện tích đất đồi để trồng cỏ và ngô, vừa nuôi được lợn, trâu, bò và gia cầm. Cũng công sức như vậy, giờ nhà tôi nuôi gần 100 con lợn đen, vài con bò, thả 3 ao cá, hơn 100 con gà, vịt. Tất cả thức ăn cho vật nuôi đều cùng một loại là cỏ nghiền trộn ngô ủ MVS, nuôi cách này lợn ít bị ốm và thịt ngon hơn. Hạn chế việc lợn ì ạch, thụ động chỉ biết ăn cám pha sẵn với nước và đi ngủ, thì giờ lợn phải hoạt động ăn cỏ và ngô, nên mạnh khỏe, thịt săn chắc. Người nuôi cũng nhàn hơn hẳn, năm 2015 và 2016, tùy mỗi năm theo giá thị trường, riêng tiền bán lợn cũng đem thu nhập trên 100 triệu cho gia đình. Nguồn phân của lợn, tôi tận dụng đóng bao bán cho các hộ làm nông nghiệp, cứ 10 nghìn đồng/bao”.
Theo tìm hiểu được biết, vụ Đông – xuân năm 2016, huyện Quản Bạ hỗ trợ 9,6 triệu đồng cho 6 hộ dân ở xã Thanh Vân và Tùng Vài thực hiện mô hình ủ chua cỏ. Tuy nhiên, ông Thời cho biết thêm rằng cũng có biết về phương pháp ủ chua cỏ nuôi trâu, bò của huyện, nhưng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt hơn, phải xây bể chứa bằng xi – măng với chiều cao, rộng đảm bảo. Làm cỏ ủ chua theo hướng dẫn của cán bộ tập huấn, dùng men ủ khác và cỏ được phơi héo, cắt bỏ vào bể ủ có lót ny lon, dùng bạt che kín và sau khoảng 1 tháng thì cho trâu, bò ăn. Còn với chăn nuôi lợn, ủ MVS như nhà ông Thời, cách ủ lại khác. Ông dùng máy chế biến thức ăn chăn nuôi 3A để băm và nghiền nhỏ phụ phẩm, bảo quản thức ăn thô cho lợn. Đặc biệt là máy xay nhuyễn cả cây cỏ, cả cùi và hạt ngô. Sau đó, kết hợp với công nghệ lên men làm chín thức ăn cho lợn bằng chế phẩm MVS. Với ủ thức ăn MVS có 2 phương pháp: Lên men ướt và lên men khô - ẩm. Ông Thời chọn cách lên men khô. Mỗi lần nghiền thức ăn, ông dùng 200 kg cỏ tươi với 80 kg ngô nguyên bắp (xay cả bắp còn cả cùi và hạt ngô) nghiền thành bột, trộn lẫn với 1 gói men vi sinh 0,5 kg. Sau đó, trộn tất cả cho đều, đổ vào thùng hoặc để ngay trên nền xi măng để có độ ẩm, phủ bạt để 1-2 hôm là có thể cho vật nuôi ăn. Đặc biệt, cách làm này tận dụng được triệt để cả phần cùi ngô và thân cây cỏ, vì đều được nghiền nhuyễn tơi như bột, không bỏ phí như chăn nuôi truyền thống. Do thức ăn đã được lên men bằng những vi khuẩn có ích nên lượng phân của gia súc ít, không có mùi, có thể sử dụng để làm phân bón trực tiếp cho các loại cây trồng. Giải pháp này đã được nhiều chuyên gia chuyên ngành trong nước đánh giá cao.
Hiện tại, chưa có đánh giá của các cơ quan chuyên môn và địa phương về mô hình nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Văn Thời. Nhưng áp dụng mô hình ủ thức ăn bằng MVS bước đầu cho thấy mang lại hiệu quả cao, đàn lợn phát triển tốt, tăng trọng nhanh, thịt sạch, giảm nhân công lao động và chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột. Cùng với đó, tạo môi trường trong sạch, ít bị ô nhiễm; đây được xem là mô hình triển vọng cho việc chăn nuôi gia súc ở vùng cao.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc