Thành phố Hà Giang: Góp phần cùng ASEAN tăng cường ngoại giao với đối tác Trung Quốc
BHG - Là thành phố (TP) trung tâm của tỉnh, cách Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam)-Thiên Bảo (Trung Quốc) hơn 20 km; trong những năm gần đây, TP Hà Giang đã tích cực thực hiện công tác đối ngoại với đối tác của ASEAN là Trung Quốc. Qua đó, tranh thủ mọi nguồn lực cho phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh-quốc phòng (AN-QP). Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Giang đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó có nội dung triển khai hội nhập về AN-QP; tổ chức các chuyến thăm, làm việc và tiếp xúc giữa lãnh đạo TP Hà Giang với các huyện của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các hình thức, như: Thăm song phương, gặp gỡ trao đổi hội đàm tại các diễn đàn nhằm phối hợp có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia thông qua các hoạt động của công dân đến công tác, lao động, du lịch, thăm thân trên địa bàn. Tăng cường hoạt động giao lưu đối ngoại Đảng với các huyện, thành phố của tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), hướng tới các thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực mà các địa phương của nước bạn quan tâm đầu tư. Chủ động xây dựng kế hoạch đối ngoại và thông tin đối ngoại hàng năm của thành phố; lựa chọn các lĩnh vực cần tăng cường đối ngoại, thu hút đầu tư vào địa bàn. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế cho quần chúng nhân dân để góp phần nâng cao bản lĩnh hội nhập, tạo được nhận thức chung và sự đồng thuận xã hội về các vấn đề quốc tế và đối ngoại.
Trong các nước đối tác của ASEAN, Trung Quốc là một trong những nước có trao đổi về kinh tế, thương mại, đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất. Qua các hội nghị cấp cao, các nước ASEAN đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác với các nước đối tác về: Thương mại, đầu tư, tài chính; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác phát triển thị trường trái phiếu ở khu vực, an ninh năng lượng và lương thực; giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch. Thực hiện thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, TP Hà Giang đã tổ chức kết nghĩa hữu nghị, năm 2009 có 1 doanh nghiệp phía nước bạn thuê đất tại thôn Lúp, xã Phương Độ để đầu tư xây dựng khách sạn Vân Thủy Thiên Hà, làm dịch vụ nghĩ dưỡng, ăn uống phục vụ khách của 2 thành phố đến trao đổi, kinh doanh, thăm thân, du lịch. Về du lịch, TP chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể các dân tộc Tày, Dao. Phục hồi và duy trì phát triển về quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm, như: Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày; Lễ hội Đền; Lễ hội Đường phố... Xây dựng một số địa danh thu hút khách du lịch, như: Các làng văn hóa du lịch cộng đồng; Quảng trường 26/3; các điểm du lịch tâm linh như Đền Mẫu, Đền Thác Con... Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu, khách du lịch đến với thành phố tăng hàng năm. Năm qua, lượng khách Trung Quốc đến thăm thân và du lịch là trên 6.000 lượt người.
Tăng cường thúc đẩy giao lưu hợp tác song phương, năm 2016 thành phố đã tổ chức Hội đàm giữa Đoàn đại biểu TP Hà Giang với Đoàn đại biểu TP Văn Sơn, Châu Văn Sơn (Trung Quốc). Qua đó, đạt được một số thỏa thuận, như: Hàng năm, lãnh đạo hai bên bố trí gặp gỡ trao đổi một lần theo hình thức luân phiên để cùng đánh giá và tháo gỡ những vướng mắc trong giao lưu, hợp tác; đồng thời, thống nhất phương hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo. Khuyến kích việc tổ chức các đoàn đại biểu của ngành, cơ quan, tổ chức kinh tế, văn hóa, giáo dục thăm quan học tập, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch và thương mại. Kế hoạch hoạt động đối ngoại năm nay, TP đã đưa vào mục tiêu kết nối quan hệ hợp tác với huyện Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thông qua hoạt động đối ngoại để giới thiệu về tiềm năng phát triển KT-XH, các lợi thế thu hút đầu tư của TP với các tổ chức trong nước và quốc tế.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc