Quang Bình đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp
BHG - Trong những năm qua, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện Quang Bình có bước phát triển nhanh và tích cực, huyện đã tập trung chỉ đạo bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương, ban hành các phương án, đề án tổ chức thực hiện, nhằm tổ chức lại sản xuất cho nông dân tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.
Sản xuất mạ khay tại xã Bằng Lang – một trong những biện pháp KHKT để nâng cao năng suất, sản lượng lúa hàng năm của huyện Quang Bình. |
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, phát triển chưa bền vững, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tập trung thành vùng hàng hóa, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đầu tư vào nông nghiệp để thu mua, chế biến nông sản tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa nhiều. Phát triển chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư quy mô lớn, tập trung. Nguyên nhân do nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn hạn hẹp chưa thúc đẩy được sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, việc phân cấp cho ngành, xã chưa rõ nét, tư tưởng bằng lòng, chưa mạnh dạn đầu tư thoát nghèo vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân, tính trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước chậm được khắc phục, các mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất hàng hóa...
Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, từng bước chuyên môn hóa và tạo việc làm ổn định cho nông dân, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020, huyện Quang Bình tập trung vào 3 lĩnh vực chính, đó là: Trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trao đổi với phóng viên về các giải pháp để thực hiện 3 lĩnh vực nêu trên, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Để thực hiện tốt 3 lĩnh vực chính, huyện tập trung vào các giải pháp cụ thể. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào việc phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm cam Sành, triển khai trồng mới cam giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn huyện là 600 ha, nâng diện tích cam toàn huyện đến năm 2020 đạt 2.922 ha; phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè, triển khai trồng mới giai đoạn 2017 – 2020 là 650 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 lên 3.595 ha; phát triển sản xuất lúa hàng hóa, triển khai dồn điền, đổi thửa đến năm 2020 toàn huyện đạt diện tích 50 ha kết hợp sản xuất mạ khay, áp dụng máy cấy nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất và giảm chi phí đầu tư. Đối với lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, tập trung phát triển đàn trâu, bò đến năm 2020 đạt 25.806 con, tăng 2.965 con so với năm 2016. Trồng và cải tạo lại giống để duy trì diện tích trồng cỏ trên địa bàn luôn ổn định 1.300 ha đảm bảo đủ thức ăn cho tổng đàn, đồng thời khuyến khích việc thành lập HTX, các nhóm sở thích chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2020 toàn huyện có 10 tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 50 – 100 con trở lên theo hình thức trang trại; mỗi xã, thị trấn có 7 hộ chăn nuôi với quy mô 15 – 20 con trâu, bò trở lên theo hình thức chăn nuôi tập trung. Tập trung chỉ đạo các xã vùng thấp, các xã có lòng hồ thủy điện chăn nuôi cá ao, cá lồng theo hình thức chuyên canh, thâm canh cao đối với một số giống thủy sản phù hợp thị trường, dễ tiêu thụ như cá Rô phi, Diêu hồng, Trắm cỏ, Chép và cá Lăng... Đối với phát triển lâm nghiệp, thực hiện trồng rừng giai đoạn 2017 – 2020 là 5.700 ha, trong đó trồng rừng phân tán là 300.000 cây, tương đương 200 ha; trồng rừng tập trung là 5.500 ha. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích thâm canh đạt 85 – 90%, năng suất rừng trồng bình quân đạt 75 – 80 m3/ha. Để thực hiện tốt 3 lĩnh vực chính này huyện cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện như: Giải pháp tuyên truyền sao cho hiệu quả, giải pháp về đất đai và quy hoạch phải tập trung; giải pháp về giống cây, con phải có năng suất, chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra trước khi đưa vào sản xuất và các giải pháp về KHKT, cơ sở hạ tầng, giải pháp nguồn nhân lực, quản lý, chế biến tiêu thụ sản phẩm, về cơ chế chính sách và nguồn vốn và giải pháp chỉ đạo tổ chức lại sản xuất...
Có thể khẳng định rằng muốn tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, không có cách nào khác là phải gắn với nhu cầu thị trường. Nắm bắt cơ hội bằng thay đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới các sản phẩm mà thị trường cần...
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc