Liên kết sản xuất - khâu quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp
BHG- Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh xác định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đa dạng các hình thức liên kết, người nông dân chính là chủ thể của quá trình tái cơ cấu... Thực hiện chủ trương lớn của tỉnh, nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân trong sản xuất nông nghiệp đã, đang hình thành, bước đầu hứa hẹn nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn lắm gian nan!
Diện tích dứa của gia đình anh Hoàng Văn Quý đã trổ hoa, sẽ cho thu hoạch vào tháng 6 tới. |
Năm 2016, anh Hoàng Văn Quý, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) mạnh dạn chuyển đổi 1,7 ha đất trồng ngô sang trồng dứa theo mô hình liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao (Công ty Đồng Giao) Ninh Bình. Anh Quý cùng 137 hộ dân trong thôn được công ty cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá tối thiểu 3 nghìn đồng/kg quả. “Việc liên kết giữa Công ty Đồng Giao và người dân trong xã được đánh giá chặt chẽ, các điều khoản cam kết đều có lợi cho dân, chỉ cần thu mua ở mức giá tối thiểu cũng cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng ngô” - Chủ tịch UBND xã Phong Quang Nguyễn Mạnh Toàn khẳng định. Ông Toàn cho biết thêm, tuy mới năm đầu triển khai, nhưng qua đánh giá của cán bộ kỹ thuật Công ty Đồng Giao, vùng đất Phong Quang rất hợp với cây dứa, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều vùng cung cấp nguyên liệu truyền thống của doanh nghiệp. Dự kiến, sau vụ thu hoạch đầu tiên, người dân Phong Quang tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, mở rộng diện tích lên 100 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Đưa chúng tôi thăm cánh đồng dứa đang trổ hoa, anh Quý vui vẻ nói, 8,7 vạn gốc dứa của gia đình sẽ cho thu hoạch tháng 6 tới. Tính sơ bộ theo đơn giá bao tiêu sản phẩm mức tối thiểu, giá trị thu nhập sẽ đạt 130 - 160 triệu đồng/ha/vụ. Trong đó, thu từ tiền bán quả dứa 90 triệu đồng/ha/vụ, tiền bán chồi giống ước đạt 50 triệu đồng/ha. So với trước đây, diện tích này, một năm gia đình trồng 2 vụ ngô, sau khi trừ chi phí, thu được 15 triệu đồng/ha/vụ, trong khi đó, công trồng, chăm sóc vất vả hơn cây dứa nhiều. Chị Nguyễn Thị Vỹ, cán bộ khuyến nông xã Phong Quang cho biết, gần 50/52 ha dứa trồng theo mô hình liên kết đã ra hoa, đậu quả, sản lượng ước đạt 1.500 tấn.
Hình thức liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vị Xuyên đang phát triển mạnh mẽ. Rút kinh nghiệm từ những mô hình đổ vỡ của nhiều năm trước, giờ đây mối quan hệ giữa người trồng và đầu mối tiêu thụ đã chặt chẽ hơn, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên luôn được đảm bảo - ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết. Với những cơ chế, chính sách của tỉnh, từ lợi thế vùng đất Vị Xuyên, nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó hình thành nhiều mối liên kết như: Công ty Đồng Giao liên kết với 137 hộ dân xã Phong Quang trồng dứa; Công ty Mía đường Tuyên Quang liên kết với HTX Đại Ngọc (Ngọc Linh) trồng 40 ha mía; Công ty Việt Anh liên kết HTX thôn Minh Thành (Trung Thành), trồng gừng hàng hóa được trên 18 nghìn bao tải; Công ty Sơn Thủy liên kết với các hộ dân thôn Hai Luồng (Trung Thành) thuê 12 ha đất với đơn giá 12-17 triệu đồng/ha/năm trồng chuối Tiêu hồng; Công ty Bảo Châu thu mua cam Sành tại xã Trung Thành, Việt Lâm sản xuất, chế biến nước cam ép đóng chai... Nhìn chung, các mối liên kết bước đầu mang lại hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập, từng bước XĐGN cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Cùng với Vị Xuyên, trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh cũng đang hình thành các mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được tỉnh ta khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh nêu rõ: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát huy vai trò kinh tế hợp tác, đa dạng các hình thức liên kết trong sản xuất và điều quan trọng hơn cả, người nông dân chính là chủ thể quá trình tái cơ cấu. Từ thực tế phát triển nông nghiệp những năm qua cho thấy, khả năng nắm bắt thông tin thị trường sản xuất hàng hóa của người dân còn chậm; dịch vụ cho sản xuất còn hạn chế, ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xuất phát điểm kinh tế hộ thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, kỹ năng sản xuất gắn với thị trường còn yếu. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp đa số bán dưới dạng thô hoặc sơ chế, công nghiệp chế biến chưa phát triển; đất đai phân tán, manh mún và đang có nguy cơ suy giảm, việc tích tụ ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa hoặc cho doanh nghiệp thuê gặp nhiều khó khăn. Và điều quan trọng hơn, nếu những chủ thể của quá trình tái cơ cấu không thực sự vào cuộc, đổi mới tư duy, cách làm thì khó mang lại thành công.
Câu chuyện về sự thất bại trong liên kết trồng Chanh leo giữa người dân Vị Xuyên - Công ty Đồng Giao mấy năm trước là bài học đắt giá. Thực hiện liên kết này, từ 2014 - 2016, người dân 8 xã vùng Chanh leo đã trồng được trên 83 ha. Khi diện tích trồng năm 2014 cho sản phẩm, Công ty Đồng Giao thu mua được 3,5 tấn theo hình thức không phân loại với giá 7 nghìn đồng/kg, người dân tự ý bán ra thị trường 27,5 tấn với giá 15 - 25 nghìn đồng/kg. Năm 2015, Công ty thu mua 6,3 tấn với giá 7,5 nghìn đồng/kg, người dân bán ra thị trường trên 29 tấn với giá từ 13 - 20 nghìn đồng//kg. Năm 2016, Công ty nâng giá lên 8 nghìn đồng/kg, nhưng do sản lượng thấp, không đảm bảo chế biến nên đã cho người dân bán ra thị trường với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg. Ngoài việc tự ý phá cam kết, bán sản phẩm ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của Công ty, một số hộ tham gia không đủ điều kiện về lao động cũng như vật tư đối ứng cho cây trồng; chưa chú trọng đến quy trình kỹ thuật chăm sóc cây... nên mối liên kết này đã hoàn toàn chấm dứt.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Công ty Đồng Giao cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa, còn có mặt tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU... Hiện nay, Công ty ký hợp đồng với hơn 20 nhà phân phối Nhật Bản để cung cấp sản phẩm vào thị trường tiềm năng này. Doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện các hợp đồng liên kết trong phát triển sản xuất, điều quan trọng người nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sẵn sàng và thực hiện tốt hay không. Nếu thực hiện tốt mối liên kết sản xuất - một khâu quan trọng của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu nâng cao giá trị và đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT-XH của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về KT-XH và môi trường.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc