Hoàng Su Phì chú trọng phát triển đàn gia súc
BHG- Chuyển đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ, tập trung đầu tư chăn nuôi hiện đã và đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững và cho thu nhập cao ở huyện Hoàng Su Phì.
Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, bán trang trại trở thành hướng đầu tư sản xuất “mũi nhọn” ở Hoàng Su Phì hiện nay. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình anh Lù Văn Trương, thôn Nắm An, xã Tụ Nhân. |
Năm 2016, huyện Hoàng Su Phì chuyển 213 ha đất trồng cấy kém hiệu quả sang trồng cỏ; diện tích cỏ hiện có của huyện đạt trên 2.300 ha. Cùng với rừng, đất rừng trồng có độ che phủ đạt tới 58% đã cho Hoàng Su Phì một nguồn tài nguyên vô cùng lớn về thảm thực vật. Lợi thế về cỏ trồng và thảm thực vật rừng đã mang lại tiềm năng to lớn hỗ trợ tích cực Hoàng Su Phì phát triển chăn nuôi đàn gia súc.
Nắm bắt được lợi thế về đất đai, sức lao động tại chỗ; Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết đưa chăn nuôi thành nền kinh tế “mũi nhọn” để phát triển bền chắc. Nghị quyết về phát triển chăn nuôi được triển khai tới 25 xã, thị trấn. Chọn những hộ có tiềm năng về đất đai, sức lao động và có tư duy làm ăn; chọn những cán bộ xã, thôn, bản có tư duy sắc sảo, có trình độ tổ chức sản xuất để đầu tư và dùng đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi giúp người dân phát triển đàn gia súc.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các cơ quan chuyên môn, các ngành, ban gắn với xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân. Các ngành chức năng, phối kết hợp chính quyền cơ sở tiến hành họp dân, tổ chức đăng ký chuyển đổi sản xuất, đầu tư trồng cỏ, xây dựng chuồng trại và làm các thủ tục vay vốn đầu tư. Sau quá trình chọn lọc, Hoàng Su Phì đã chọn từ 1.034 hộ đăng ký được 406 hộ đủ điều kiện để hỗ trợ đầu tư. Quan điểm đầu tư của huyện là tìm, chọn ra những người, những hộ có tư duy làm ăn tốt để hỗ trợ vay vốn chăn nuôi trâu, bò đợt đầu. Tính đến cuối năm 2016, Hoàng Su Phì đã đầu tư trên 10 tỷ 665 triệu đồng hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc (chủ yếu là trâu, bò). Ngoài ra, người dân còn tự vay vốn phát triển chăn nuôi từ Ngân hàng CSXH và vốn đầu tư tự có trong dân, vốn bằng con trâu, bò hiện có trong các hộ cho nuôi giẽ hỗ trợ nhau.
Theo con số thống kê: Năm 2016, Hoàng Su Phì lần đầu tiên xuất chuồng 201 tấn trâu hơi, 58,4 tấn bò hơi, 136 tấn dê hơi và trên 5.261 tấn lợn hơi. Giá trị chăn nuôi năm 2016 đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị nền sản xuất nông nghiệp. Hiện, Hoàng Su Phì đang duy trì đàn gia súc khá lớn, phát triển ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, số trâu trong huyện là 22.841 con, bò 5.248 con, dê gần 22.500 con, đàn lợn trên 73.000 con, mức tăng đàn cơ học gần 6,5%/năm. Các cơ quan chuyên môn của huyện nhận định năm 2017, tổng đàn gia súc trong huyện sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn nữa do phong trào chăn nuôi đã “ngấm” vào tư duy người dân.
Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, Hoàng Hải Lý cho biết: Mục tiêu phát triển tổng đàn gia súc năm nay sẽ là 6,5 – 7%. Trong đó, hướng đầu tư trọng tâm là phát triển nhanh đàn trâu, bò, dê. Để đạt mục tiêu đó, huyện sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ người sản xuất. Trong đó, sẽ xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi tập trung có quy mô ít nhất từ 5 – 10 con trâu, bò/hộ và từ 10 – 25, 30 con trâu, bò/nhóm hộ. Hỗ trợ kiến thức về xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, vay vốn và các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ gắn tránh nhiệm cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y, các thú y viên thôn, bản vào các hộ, nhóm hộ. Đồng thời, giao trách nhiệm đến từng ủy viên BTV, BCH, các trường ngành của huyện trực tiếp phụ trách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tập trung tối đa các nguồn lực cả trong, ngoài để thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá...
Bên cạnh phát triển chăn nuôi, huyện còn từng bước thực hiện thụ tinh nhân tạo để cải thiện chất lượng đàn gia súc và từng bước nâng cao sản lượng thịt phục vụ tiêu dùng. Kể từ năm 2014 đến hết năm 2016, Hoàng Su Phì đã tiết kiệm ngân sách hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho 134 bò mẹ. Đến nay, đã có 34 con bê sinh ra khoẻ mạnh, sinh trưởng vượt trội so với bê con sinh sản thông thường. Kết quả trên đã được bà con 15/25 xã, thị trấn trong huyện đăng ký thực hiện thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò nuôi.
Mục tiêu đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành “mũi nhọn”, chiếm ưu thế trong nền sản xuất nông nghiệp ở Hoàng Su Phì đã dần thành hiện thực; song rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Nhà nước để nhân dân Hoàng Su Phì có đủ nguồn lực để đầu tư làm ăn bài bản để mang lại thành công.
NHẬT HỒNG
Ý kiến bạn đọc