Hiệu quả nuôi trâu, bò nhốt ở xã Minh Sơn

07:29, 23/03/2017

BHG- Những năm gần đây, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn, con giống và kỹ thuật... Điều này đã thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng lợi thế đất đai, nhiều gia đình ở xã Minh Sơn (Bắc Mê) đã tiến hành nuôi trâu, bò vỗ béo, phát triển theo hướng hàng hoá và đạt kết quả.

Mỗi hộ trong xã đều có từ 2-3 con trâu, bò nuôi nhốt.
Mỗi hộ trong xã đều có từ 2-3 con trâu, bò nuôi nhốt.

Gia đình anh Thào Chìa Dính ở thôn Kẹp B là hộ đi đầu trong nuôi trâu, bò nhốt ở xã Minh Sơn. Được biết, gia đình anh đã nuôi trâu, bò cách đây gần 20 năm với vốn liếng ban đầu là 5 con trâu, bò. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước, anh đã xây dựng chuồng trại kiên cố và có những khu đất riêng biệt chuyên trồng cỏ chăn nuôi. Đến nay, chuồng trại đã được đầu tư xây dựng kiên cố hơn và luôn duy trì đàn trâu, bò với gần 20 con. Anh Dính phấn khởi tâm sự: “Trâu, bò ban đầu là bố mẹ chia cho, rồi tự mình tìm cách nuôi cho béo thì bán. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào số trâu, bò này. Sau gần 1 năm, nếu chăm sóc tốt, một con bò cái có thể bán được từ 20-30 triệu đồng. Thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng”. Cũng nhờ đó, gia đình anh vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã, xây được nhà, mua xe ô-tô và nuôi các con đi học đầy đủ. Hiện nay, gia đình anh tiến hành cho nuôi rẽ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn hơn. Rất nhiều hộ được giúp đỡ và có thêm trâu, bò để làm ruộng.

Gia đình anh Vừ Mí Lừ, Trưởng thôn Kẹp B cũng là một trong số gia đình chăn nuôi có hiệu quả trâu, bò theo hướng hàng hoá. Anh cho biết: “Vì diện tích đất không nhiều, nên tất cả các hộ đều phát triển nuôi nhốt. Chúng tôi cũng nhận thấy như vậy hiệu quả cao hơn và còn tránh được một số rủi ro về bệnh lây lan. Cũng nhờ có tiền bán trâu, bò nên trong thôn hầu hết các hộ đều có kinh tế ổn định hơn, mua thêm được nhiều nông cụ phục vụ cho làm kinh tế”.

Nhận thấy rõ hiệu quả từ mô hình chăn nuôi này, nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn vay vốn mua trâu, bò, đầu tư xây chuồng trại kiên cố hơn. Hiện tại, mỗi hộ trong thôn đều có từ 2-3 con trâu, bò; nâng tổng số trâu, bò trong xã lên 236 con. Đặc biệt, xác định nguồn thức ăn là yếu tố đóng vai trò quan trọng, huyện Bắc Mê đã hỗ trợ người dân trong việc trồng mới cỏ với số tiền 1 triệu đồng/1ha.

Toàn xã Minh Sơn hiện có 104 ha cỏ, cung cấp thức ăn cho 2.100 con trâu và 1.600 con bò. Đặc biệt, tận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 209, toàn xã có 8 hộ được vay vốn với tổng số tiền là 640 triệu đồng. Điều đó đã thúc đẩy người dân Minh Sơn vươn lên phát triển chăn nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: “Người dân Minh Sơn có ý thức cao trong việc phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Xã cũng tiến hành hỗ trợ chuyển giao vốn, khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân, giúp người dân chú trọng duy trì và phát triển diện tích cỏ, nâng số trâu bò lên cả về chất lượng và số lượng. Đến nay, giá trị của mỗi con trâu, bò cũng được tăng lên đáng kể”.

Phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã Minh Sơn, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt của xã là động lực để các xã khác làm theo. Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển lâu dài, cần có những biện pháp để chủ động phòng ngừa dịch, bệnh; đồng thời cần để người dân tiếp cận được gần hơn với nguồn vốn hỗ trợ.

 My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì chú trọng phát triển đàn gia súc

BHG- Chuyển đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ, tập trung đầu tư chăn nuôi hiện đã và đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững và cho thu nhập cao ở huyện Hoàng Su Phì. 

23/03/2017
Triển vọng từ mô hình ủ thức ăn chăn nuôi bằng men vi sinh ở thôn Nà Vìn

BHG- Thời gian qua, việc ủ chua cỏ để dự trữ thức ăn chăn nuôi vào mùa lạnh ở huyện Quản Bạ đã được Trạm Khuyến nông huyện phổ biến khá rộng rãi. Tuy nhiên, việc ủ thức ăn bằng men vi sinh (MVS) để chăn nuôi lợn với quy mô lớn, không theo kỹ thuật ủ chua cỏ của huyện để chăn nuôi trâu, bò của hộ ông Nguyễn Văn Thời ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) là hộ đầu tiên áp dụng, đã mở ra triển vọng về phương pháp chăn nuôi mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

23/03/2017
Cần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần

BHG- Tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần có chiều dài khoảng 15 km. Đây là tuyến đường nằm trong số các công trình "trọng điểm" được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nâng cấp ra Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc). Mục tiêu nâng cấp tuyến đường là để hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các xã phía Bắc của huyện Xín Mần. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi kinh tế mậu dịch biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc cùng phát triển...

23/03/2017
Hiệu quả từ HTX Dân quân trồng rừng ở Vị Xuyên

BHG- Vị Xuyên là một trong những huyện có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Để khai thác tiềm năng đó, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án trồng mới rừng nhằm nâng cao độ che phủ, thu nguồn lợi từ rừng cũng như cải thiện môi trường sinh thái... Nhằm nâng cao hiệu quả từ trồng rừng sản xuất, huyện Vị Xuyên đã thành lập HTX Dân quân trồng rừng ở một số xã có điều kiện thuận lợi.

22/03/2017