Cho vay đầu tư có thu hồi: Trao cơ hội giảm nghèo ở Bắc Quang

07:26, 22/03/2017

BHG- Nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi tư duy “trông chờ, ỷ lại” vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tăng thu nhập, dần cải thiện cuộc sống... Đó là hiệu quả mà Chương trình cho vay đầu tư có thu hồi (ĐTCTH) đang phổ biến rộng ở huyện Bắc Quang.

Những hộ chăn nuôi cá lồng ở Bắc Quang có cơ hội được vay vốn ĐTCTH để mở rộng, phát triển quy mô chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo.
Những hộ chăn nuôi cá lồng ở Bắc Quang có cơ hội được vay vốn ĐTCTH để mở rộng, phát triển quy mô chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo.

Năm 2016, Bắc Quang triển khai cơ chế ĐTCTH theo hướng tập trung cho các gia đình, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình thâm canh hiệu quả với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng. Đối tượng được vay vốn ngày càng đa dạng, trong đó, đầu tư cho vay giống, phân bón các loại để thâm canh lúa, ngô trên 3 tỷ đồng; cho hộ và HTX, tổ hợp tác vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi cá lồng, lợn, làm vườn ươm cây giống, mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm đất trồng dứa và mua chồi giống dứa trên 2,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho vay ĐTCTH từ năm 2016 tính đến hết tháng 2.2017 đã thu hồi được 3.109.162.000 đồng, tổng kinh phí còn nợ 1.067.651.000 đồng.Triển khai ĐTCTH hơn 3 năm nay tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản, Mai Kiến Quốc, cho biết: “Qua các đợt vay vốn cho thấy các hộ đều dùng tiền vốn đúng mục đích. Nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế bớt khó khăn. Từ năm 2016 tính đến tháng 2.2017, tổng kinh phí ứng trước của xã là 306.719.000 đồng, đến nay đã thu hồi đủ. Trong đó, thu hồi đủ trên 136 triệu đồng vốn vay vụ Mùa, trên 170 triệu đồng vụ Xuân”. Chị Nguyễn Thị Khang, Chủ nhiệm HTX sản xuất, chế biến thực phẩm sạch Hải Khang cho biết: “Được vay vốn theo Chương trình ĐTCTH giúp người sản xuất, kinh doanh ý thức hơn, cố gắng làm tốt hơn, vì luôn nghĩ thành quả mình làm ra, vốn mình đã vay phải trả lại, trong khi đã hỗ trợ thời hạn không phải trả lãi suất”.

Từ năm 2014 đến nay, huyện đã giải ngân ĐTCTH với tổng số vốn trên 15,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014, tổng kinh phí cho vay ĐTCTH là 3,53 tỷ đồng. Đến nay, các xã đã thu hồi xong, nộp ngân sách Nhà nước, hiện chỉ còn xã Vĩnh Phúc nợ 250 triệu đồng kinh phí ĐTCTH trồng cây chanh leo. Năm 2015, tổng kinh phí ĐTCTH của huyện 6,13 tỷ đồng. Năm 2016, tổng vốn ĐTCTH 5,52 tỷ đồng, trong đó cho vay làm đất trồng dứa và mua chồi giống dứa trên 1,5 tỷ đồng. Một phần vốn vay chưa đến hạn thu hồi như vay mua chồi giống dứa, vay chăn nuôi cá lồng và lợn, HTX Hải Khang vay phát triển chăn nuôi... Các xã được đánh giá là thực hiện có hiệu quả gồm: Đồng Tiến, Hữu Sản, Vĩnh Phúc, Tân Quang... 

Tuy nhiên, cho vay ĐTCTH vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Anh Hoàng Kim Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Vinh cho biết: “Tổng kinh phí ứng trước ĐTCTH trên 1,1 tỷ đồng, xã mới thu hồi được trên 693 triệu đồng. Người dân trong xã vay chủ yếu để sản xuất vụ Mùa, vụ Xuân, trồng rau sạch và chăn nuôi. Tuy nhiên, một số hộ dân còn tư tưởng ỷ lại, chây ì, sau khi thu hoạch đến thời hạn thu hồi không chịu hoàn vốn, Tổ thu hồi của thôn và xã phải nhiều lần vận động tuyên truyền các hộ mới chấp hành, nên ảnh hưởng tới tiến độ thu hồi nguồn vốn...”. Ngoài ra, ở một số xã, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát còn chưa được thường xuyên, kịp thời. Công tác tuyên truyền chưa được triển khai đồng bộ, do vậy tiến độ thu hồi kinh phí còn chậm, một số xã còn để nợ quá hạn như: Tiên Kiều, Việt Hồng, Đồng Tâm...

Cho vay bằng hình thức ĐTCTH có nhiều ưu điểm, vừa bảo toàn vốn vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng nguồn vốn của người dân; là hình thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi tại địa phương. Mặc dù, còn một số hạn chế, song hình thức này đã phát huy được hiệu quả tích cực của nguồn vốn, hy vọng thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của chương trình, từ đó có cơ hội thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

HẰNG MỸ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của Agribank Quang Bình

BHG- Điều phấn khởi nhất trong hoạt động kinh doanh ở Chi nhánh Agribank Quang Bình là tốc độ tăng trưởng dư nợ, nguồn vốn tăng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu 1,02% thấp hơn so với tỉnh giao là 0.98%; lợi nhuận khoán tài chính (KTC) đạt kế hoạch giao.

21/03/2017
Trưởng thôn trở thành doanh nhân trẻ

BHG- "Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Lời nhà văn Nam Cao cách đây hơn 70 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị và trở thành câu chuyện khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ với nhiều thế hệ thanh niên trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Cường – Trưởng thôn Vĩnh Chính – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) May mặc Cường Thuận. 

21/03/2017
Agribank Hoàng Su Phì tích cực giúp nông dân có vốn sản xuất

BHG- Thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNN Hoàng Su Phì (Agibank Hoàng Su Phì) đã và đang giải ngân hàng tỷ đồng để giúp các hộ nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

21/03/2017
Agribank Bắc Quang: Nỗ lực giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết 209

BHG- "Ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, đơn vị đã cử cán bộ xây dựng kế hoạch, tiến hành thẩm tra, xác minh, thông tin kịp thời, giải ngân nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa của các hộ dân", đó là thông tin do Giám đốc Agribank Bắc Quang - Trương Viết Hào, cho biết. 

21/03/2017