Trên đỉnh Phìn Hồ
BHG - Sau một thời gian dồn tâm huyết, trí tuệ, quyết tâm triển khai Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và chè bản địa; Công ty TNHH Y học bản địa (YHBĐ) - Viện YHBĐ Việt Nam đã phát hiện, nhân giống, nuôi cấy thành công nhiều loài dược liệu quý. Với nỗ lực không mệt mỏi, những nhà khoa học Viện YHBĐ đang biến mảnh đất Phìn Hồ thành vùng du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo và khác biệt.
Cách đây 10 năm, tôi đã có dịp đặt chân lên mảnh đất Phìn Hồ (Tân Thành - Bắc Quang), nơi có độ cao từ 1.300 - 2.000 m so với mực nước biển quanh năm gió lạnh và sương mù bao phủ. Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng đã ban tặng cho mảnh đất này nhiều sản vật quý và một vùng chè Shan tuyết cổ thụ tuyệt hảo, hiếm nơi nào có được. Những ngày đầu Xuân này, tôi trở lại vùng chè Shan tuyết Phìn Hồ, từng cơn gió lạnh vẫn thổi vi vút qua đỉnh núi, sương vẫn giăng đặc quánh... nhưng cảnh vật đã thay đổi nhiều.
Vườn ươm dược liệu đã sưu tầm, nhân giống thành công nhiều loài quý, hiếm, có giá trị y học rất cao. |
Đón tôi trong cái lạnh se sắt, Bác sỹ Hoàng Sầm - Chủ tịch Hội đồng Viện YHBĐ Việt Nam cho biết: Mới hơn một năm triển khai Dự án, nhưng nơi đây đã hội tụ đủ các yếu tố quan trọng để trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học dược liệu, sản xuất tinh bột chè xanh giá trị cao. Bác sỹ Hoàng Sầm - người con của mảnh đất Hoàng Su Phì, sau nhiều năm bôn ba, thành danh, có tiếng trong giới học thuật với cơ ngơi đồ sộ đặc biệt là Viện YHBĐ Việt Nam đặt tại Thái Nguyên, chuyên nghiên cứu khoa học về y học với các sản phẩm xuất phát từ cây dược liệu, chăm sóc sức khỏe người dân,... nay ông quyết định đầu tư về quê hương.
Đầu năm 2016, Công ty TNHH YHBĐ chính thức triển khai Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa. Sau hơn một năm triển khai, tại khu vực này đã hình thành hệ thống nhà lưới sưu tầm, ươm cây với hàng trăm loài dược liệu bản địa; nhà máy sản xuất tinh bột chè xanh đã lắp đặt xong dây chuyền thiết bị và bắt đầu hoạt động. Tiến sỹ chuyên ngành chè Phạm Văn Nam cho biết, hệ thống máy móc sản xuất chè được nghiên cứu, thiết kế riêng với các thiết bị như máy rửa lá chè bằng công nghệ sục nước Ô - zôn, dây chuyền sấy khô lá chè bằng nhiệt tự động, các cối nghiền bột chè được làm từ đá núi Phú Sỹ (Nhật Bản) có khả năng chịu nhiệt rất cao, bước đầu đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Em Nguyễn Thu Trang, sau khi tốt nghiệp Khoa dược, Đại học Y Thái Nguyên đã lên Phìn Hồ làm việc. Tại đây em cùng các nhà khoa học Viện YHBĐ phát hiện, sưu tầm, ươm nuôi thành công nhiều loài dược liệu quý, đặc hữu, ít nơi có được như Sâm ngọc linh, Lan kim tuyến, Sâm trúc diệp, Sâm vũ hoàng, Tam thất hoang có giá trị hơn 3 lần Tam thất thường, Thạch tùng răng - vị thuốc không thể thiếu trong sản phẩm Lohha trí não dùng chữa teo não hay quên, lẫn lú tuổi già, nấm Linh chi đen, Linh chi đỏn... nhiều loài đã đưa lên trồng trên rừng tự nhiên, đang sinh trưởng, phát triển tốt. Cũng qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện một số loài dược liệu không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khuyến nghị các cấp chính quyền, người dân không đưa về trồng.
Bác sỹ Hoàng Sầm giới thiệu dây chuyền sản xuất tinh bột chè xanh hoàn toàn tự động. |
Đưa tôi đi thăm cơ ngơi, Bác sỹ Hoàng Sầm tâm sự, khi triển khai ý tưởng đầu tư, Viện YHBĐ nhận được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao, giải quyết công việc nhanh chóng của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nên những vướng mắc về đất đai sớm được giải quyết. Tại buổi tiếp xúc đầu tiên với lãnh đạo tỉnh cuối tháng 10.2015, khi nghe Viện YHBĐ đề xuất ý tưởng phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây dược liệu bản địa với mục tiêu: Tạo ra vùng có quần thể thực vật mang tính đặc thù, có thương hiệu sản phẩm hàng hóa dược liệu đặc trưng, vùng du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo, khác biệt. Nhiệm vụ phát triển kinh tế được Viện YHBĐ xác định gắn chặt với môi trường và các hoạt động văn hóa, xã hội; tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân bản địa thông qua mũi nhọn cây dược liệu; phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng và phát triển nhà trẻ, xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược bản địa... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định, Hà Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về chủ trương, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính để Viện YHBĐ triển khai ý tưởng.Trong những lần kiểm tra thực tế vùng triển khai Dự án, khi nghe lãnh đạo Viện YHBĐ nêu một số khó khăn, vướng mắc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh yêu cầu ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và lấy Dự án này để tiếp tục khẳng định sự kiến tạo của chính quyền tỉnh đối với kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Công ty TNHH YHBĐ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với diện tích gần 240 ha tại thôn Phìn Hồ.
“Viện YHBĐ Việt Nam là một tổ chức khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về dược lý lâm sàng từ thảo dược và các phương pháp chữa bệnh từ kho tri thức YHBĐ Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các chính sách khuyến khích đầu tư, chủ trương phát triển dược liệu của Hà Giang, Viện YHBĐ quyết định đầu tư khoảng 100 tỷ đồng thực hiện Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa” - Bác sỹ Hoàng Sầm cho biết. Hà Giang có rất nhiều lợi thế về phát triển dược liệu, các số liệu điều tra đã xác định mảnh đất này có gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành, 51 loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, nhiều loại quý hiếm như: Bát giác liên, Hoa tiên, Giảo cổ lam, Hoàng tinh cách, Thạch hộc, Ngân đằng, Râu hùm, Thiên lý hương, Thông tre lá dài. Trong số 300 loài dược liệu nhập khẩu và 40 loại nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam đều trồng, có chất lượng tốt tại Hà Giang. Hơn nữa, tỉnh Hà Giang xác định trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu và đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý, mục tiêu phấn đấu năm 2020 sản lượng dược liệu tươi đạt trên 40 nghìn tấn và tăng lên trên 58 nghìn tấn vào năm 2025, lợi nhuận đạt trên 2 nghìn tỷ đồng... Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi tỉnh có chủ trương, chính sách đúng, phù hợp và đang có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, nhân giống, sản xuất theo quy trình khép kín như Viện YHBĐ.
Rời Phìn Hồ khi những tia nắng nhẹ đang tắt dần sau dãy núi mờ xa, sương mù lại đặc quánh, gió se sắt lạnh... nhưng tôi luôn thấy ấm lòng, vui hơn khi biết cơ hội thoát nghèo, tiến tới làm giàu của người dân Phìn Hồ đang thành hiện thực khi nhiều sản phẩm đặc hữu đang được đánh thức bởi những nhà khoa học, nhà quản lý... giàu tâm huyết, luôn nỗ lực không mệt mỏi vì Hà Giang phát triển!
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc