Hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh về triển khai các sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà và cam sành
BHG- Chiều 7.2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của tỉnh về triển khai các sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà và cam sành. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo một số Sở, ngành; tại 7 huyện huyện nằm trong vùng có sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý có Thường trực UBND huyện và các phòng chuyên môn.
Lãnh đạo Sở KHCN tham gia ý kiến tại hội nghị. |
Theo báo cáo của các ngành chức năng, đến nay, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc có trên 25.000 đàn, chiếm 73,44% tổng đàn ong của tỉnh, sản lượng mật đạt gần 104,5 tấn. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã ban hành một số văn bản về việc thực hiện sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà; thống kế số hộ nuôi ong, số lượng nhu cầu về tem, logo chỉ dẫn địa lý. Các huyện đã rà soát, đánh giá lại tình hình phát triển đàn ong và sản xuất mật ong Bạc hà trên địa bàn; bố trí các quầy giới thiệu sản phẩm mật ong Bạc hà; tổ chức các lớp dạy nghề nuôi ong cho các hộ dân và xử lý nghiêm các đối tượng đưa ong không rõ nguồn gốc từ ngoại tỉnh vào và trà trộn, giả danh thương hiệu mật ong Bạc hà…
Đối với sản phẩm cam sành, niên vụ cam 2016 – 2017, các ngành chức năng đã: In và cấp 500.000 tem, 12.500 vỏ hộp cho các huyện để phục vụ xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành VietGAP; trong tháng 1.2017, tổ chức 3 đợt kiểm tra chuyên ngành đột xuất về việc thu hoạch, bảo quản, sử dụng tem nhãn sản phẩm đối với một số cơ sở sản xuất cam VietGAP và các cơ sở kinh doanh cam tại các điểm, chợ tại huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang; tổ chức 4 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm cam sành VietGAP cho 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại thành phố Hà Giang; triển khai Tuần lễ cam sành tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Tại buổi làm việc, đại diện các ngành, huyện đã đóng góp một số ý kiến như: Nên tập trung nâng cao chất lượng quả sản phẩm cam sành bằng việc giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất cam VietGAP; mỗi huyện nên thành lập các HTX sản xuất cam VietGAP, đây sẽ là tổ chức chịu trách nhiệm về các khâu sản xuất cam và chất lượng sản phẩm cam VietGAP… Nên quy định rõ các điểm bán hàng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ngành chức năng trong bảo vệ thương hiệu mật ong Bạc hà; phát huy vai trò của các Hội và Chi hội nuôi ong để tập hợp hội viên, bảo vệ quyền lợi người nuôi ong; xây dựng quy trình kỹ thuật thu hoạch hạt và chăm sóc cây Bạc hà…
Kết luận buổi làm viêc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến biểu dương các ngành và các huyện đã ban đầu tạo dựng được thương hiệu cho 2 sản phẩm cam sành và mật ong Bạc hà. Từ 2 sản phẩm này đã giúp tăng thu nhập cho người dân, đóng góp chung sự phát triển KT – XH của tỉnh. Tuy nhiên, do lần đầu triển khai chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh nên còn lúng túng; việc nâng cao giá trị chưa được nhiều, mạnh; chưa có một cơ quan chủ trì giúp việc cho tỉnh nên công tác tham mưu chưa được triển khai rõ ràng, liên tục. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với các ngành, giao Sở KHCN là cơ quan chủ trì tham mưu cho tỉnh quản lý chỉ dẫn địa lý hai sản phẩm này; tổng hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ 2 sản phẩm này trong năm qua, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện năm 2017. Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá kỹ lại phương pháp, quy trình kỹ thuật sản xuất cam VietGAP; ban hành hướng dẫn thành lập và hoạt động của các HTX trồng cam; rà soát đưa vào sửu đổi bổ sung chính sách Nghị quyết 209 về con ong và cây cam; tìm hiểu, ban hành quy trình hướng dẫn tạm thời về trồng, chăm sóc cây Bạc hà; khẩn trương hoàn thành và trình UBND tỉnh Dự án bảo tồn đàn ong nội tại 4 huyện vùng cao. Sở Công thương tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm cam và mật ong; xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu 2 sản phẩm này trong năm 2017. Tỉnh đoàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn thiện trình tự thủ tục cho đội ngũ thanh niên khởi nghiệp; tích cực tiếp cận các chương trình nông nghiệp để khích lệ thanh niên khởi nghiệp… Với các huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các huyện vùng ong, có các chính sách hỗ trợ giúp thành lập, phát triển các HTX nuôi ong để bao tiêu sản phẩm mật ong Bạc hà cho người dân; phối hợp với Sở Công thương tăng cường kiểm tra xử lý việc buôn, bán các sản phẩm giả, nhái thương hiệu mật ong Bạc hà. Đối với các huyện vùng cam: Mỗi xã trồng cam nên thành lập một HTX trồng cam, qua đó thực hiện quy trình trồng, chăm sóc cam khép kín, chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm cam. Đồng thời các huyện tích cực tổ chức tuyên truyền tới người dân về quyền lợi và lợi ích của việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm…
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc