Cây nghệ đang hồi sinh trên quê hương Bắc Mê
BHG- Hai năm trở lại đây, cây nghệ đã trở thành cây xóa nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn huyện Bắc Mê. Không chỉ trồng nghệ cung cấp cho các cơ sở chế biến tinh bột nghệ, mà người nông dân còn mở rộng diện tích trồng nghệ bán cho nhiều chủ hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Từ trồng nghệ, không ít gia đình đã có thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Lãnh đạo huyện Bắc Mê cùng lãnh đạo sở, ngành và một số địa phương trên địa bàn tỉnh tham quan cơ sở sản xuất tinh bột nghệ tại xã Minh Ngọc. |
Với diện tích 0,5 ha, nhưng hàng năm gia đình anh Lý Văn Giàng, thôn Bản Khun, xã Yên Phong cũng có thu nhập trên 3 tấn nghệ tươi/năm và cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Theo anh Giàng cho biết, hiện nay bên cạnh việc trồng xen canh với cây ngô, gia đình anh còn mở rộng diện tích trồng nghệ ở những đồi đất còn bỏ trống; cây nghệ dễ trồng và thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương. Hàng năm sản phẩm từ cây nghệ đã cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình. Các tư thương cũng không chèn ép giá, mà luôn thực hiện thu mua theo giá thị trường. Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Cửi, hộ chuyên thu mua nghệ trên địa bàn xã Yên Cường cho biết: Năm nay giá nghệ luôn giữ ở mức ổn định, chính vì vậy mà người nông dân trên địa bàn xã Yên Cường huyện Bắc Mê và các xã lân cận đều được hưởng lợi và có thu nhập cao từ cây nghệ. Trung bình giá giao động từ 6 đến 8 nghìn đồng/kg, riêng cây nghệ đỏ và nghệ vàng chanh, có lúc giá lên tới 11 nghìn đồng/kg.
Những năm qua, ngoài những diện tích nghệ người dân tự trồng, huyện Bắc Mê cũng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người nông dân đầu tư mở rộng diện tích nhằm cung cấp nguyên liệu sản phẩm nghệ tươi cho các cơ sở chế biến tinh bột nghệ tại xã Minh Ngọc và các cơ sở chế biến khác trong và ngoài tỉnh. Ang Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở chế biến tinh bột nghệ xã Minh Ngọc cho biết: Sản phẩm nghệ trồng tại địa bàn luôn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Cơ sở cũng đã có cơ chế hỗ trợ người nông dân về phân bón và kỹ thuật trồng nghệ, sau khi có sản phẩm cơ sở thực hiện thu mua, bao tiêu sản phẩm nghệ theo đúng cam kết, duy trì giá cả ổn định và thực hiện thu mua hết sản phẩm cho người nông dân. Hiện nay các sản phẩm từ tinh bột nghệ của cơ sở luôn được thị trường đánh giá cao. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cơ sở tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 6 đến 8 lao động ở địa phương, lương trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Khâu tuyển chọn nghệ tại cơ sở chế biến tinh bột nghệ xã Minh Ngọc. |
Ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Không chỉ riêng cơ sở chế biến tinh bột nghệ ở xã Minh Ngọc mà còn có rất nhiều điểm thu mua nghệ trên địa bàn huyện đều đánh giá, sản phẩm từ cây nghệ của người dân cũng được nhiều thương lái thu mua và đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng, cũng như các sắc tố có trong cây nghệ. Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Mê có gần 2.000 ha cây nghệ. Chính vì vậy, bên cạnh sự chủ động của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, thì các cơ chế chính sách của huyện cũng hết sức quan trọng, đó chính là một trong những yếu tố đi đến thành công trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chủ trương của Đảng bộ huyện. Trong thời gian tới huyện sẽ có cơ chế khuyến khích theo các nhóm sở thích ở các xã, thị trấn liên kết với HTX dịch vụ Nông-lâm nghiệp Ngọc Sơn và các cơ sở tinh chế tinh bột nghệ ở trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đảm bảo diện tích trồng nghệ theo khu vực tập trung đạt từ 170 - 200 ha.
Có thể nói, cùng với việc duy trì các loại cây trồng chính như lúa, ngô, lạc, đậu tương, thì cây nghệ cũng đang thực sự hồi sinh, đây là dấu hiệu đáng mừng, bởi cây nghệ của huyện Bắc Mê được nhiều nơi đánh giá cao. Hy vọng rằng, đây sẽ là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế và trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cao và bền vững cho người nông dân.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc