Vững chắc bước đi
Xuân 2017 - Ở biên cương cực Bắc, do chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, thiếu đất sản xuất nên cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm tìm giải pháp giúp dân nghèo thêm no ấm. Xác định tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất cho nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc đã đánh giá đúng thực trạng cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện và xây dựng lộ trình tái cơ cấu phù hợp với thực tế địa phương.
Người dân xã Sủng Trà bên diện tích cây hoa Bạc hà mới trồng phục vụ nuôi ong, tăng thu nhập. |
Nhìn vào thực tế, trong giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện, chiếm trên 32% giá trị các ngành sản xuất; tốc độ tăng trưởng chung ngành Nông nghiệp đạt 5,26%. Tuy nhiên, đa số cây trồng, vật nuôi có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và khó xây dựng thương hiệu; hạ tầng phục vụ sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, trình độ tay nghề lao động còn thấp. Để cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, Mèo Vạc đã lựa chọn những cây, con thế mạnh, mang tính chất chủ lực của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện, như lúa chất lượng cao, đậu tương, phát triển bò hàng hóa, lợn đen hàng hóa, nuôi ong lấy mật. Đồng thời, xác định cụ thể giai đoạn triển khai và quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra. Hiện nay, huyện phấn đấu nâng tổng số đàn bò lên trên 28.500 con, trong đó có 1.500 con bò hàng hóa; phấn đấu đến năm 2020 có 20.000 đàn ong, sản lượng mật ong đạt 140.000 lít, tăng 3,27 lần so với năm 2015.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài; chủ động mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi lên 4.500 ha; mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, xây dựng Trạm trung chuyển thụ tinh nhân tạo; thành lập các HTX, nhóm sở thích chăn nuôi bò. Đặc biệt, với mục tiêu đưa huyện trở thành đầu mối sản xuất, chế biến và tiêu thụ đặc sản mật ong Bạc hà của tỉnh; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh lộ trình XĐGN trên địa bàn, huyện đã quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa Bạc hà tại 12 xã có điều kiện thuận lợi; có cơ chế hỗ trợ người dân trồng cây hoa Bạc hà; thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai vận dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững...
Đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng là một trong những hướng đi tái cơ cấu nông nghiệp ở Mèo Vạc Trong ảnh: Bà con nông dân xã Tát Ngà trong ngày thu hoạch lúa. |
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với các giải pháp bước đầu mang lại hiệu quả đang cho thấy bước đi phù hợp trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc gắn liền tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM đang tạo đà giúp Mèo Vạc hướng đến nền nông nghiệp bền vững và hơi thở cuộc sống ấm no đang về trên các bản làng.
NGUYỄN CAO CƯỜNG, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc
Ý kiến bạn đọc