Sự cần thiết phát triển các gia trại chăn nuôi lợn và gia cầm
BHG - Thông qua đợt kiểm tra, thống kê của các ngành chức năng cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 10.2016, toàn tỉnh nhập hơn 51.000 con lợn, trên 650.000 con gia cầm và trên 844 tấn đùi gà đông lạnh. Sản lượng lợn thịt chăn nuôi trong tỉnh chỉ đáp ứng trên 40% nhu cầu của người dân; sản lượng gia cầm cũng chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2016 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh là 44.000 tấn, thịt gia cầm là 8.800 tấn, trong khi đó khả năng cung ứng trong tỉnh đối với hai loại thực phẩm này hiện nay lần lượt là 24.394,6 tấn và 5.842,84 tấn. Vì vậy, hàng ngày tỉnh ta phải nhập hàng trăm tấn thịt lợn và gia cầm. Chỉ tính riêng trong tháng 10.2016, các ngành chức năng của tỉnh thống kê, toàn tỉnh nhập hơn 51.000 con lợn, trên 650.000 con gia cầm và trên 844 tấn đùi gà đông lạnh. Con số này cho thấy nguồn cung thực phẩm trong tỉnh còn thấp, chưa phát huy được tiềm năng phát triển lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Vậy đâu là giải pháp đảm bảo lĩnh vực chăn nuôi tự cung ứng đủ thực phẩm trong nội tỉnh?
Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, các huyện, thành phố tham quan, đánh giá thực tế một mô hình gia trại chăn nuôi gà thịt tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). |
Trước thực tế việc phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nội tỉnh, ngày 2.12.2016, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, UBND tỉnh đã tổ chức cho lãnh đạo các ngành và các huyện, thành phố đi tham quan, đánh giá một số mô hình gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Vị Xuyên và tổ chức hội nghị tại tỉnh với chuyên đề “Bàn các giải pháp đẩy mạnh phát triển gia trại gia súc – gia cầm...”. Tại hội nghị này, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu cho thấy sự cần thiết phải phát triển các gia trại chăn nuôi gia súc nói chung, nuôi lợn nói riêng và trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm đảm bảo cung ứng đủ lượng thịt lợn và thịt gia cầm so với nhu cầu trong nội tỉnh. Đồng thời cho rằng: Tỉnh ta là tỉnh miền núi, phần lớn dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp nên đa phần các hộ đều có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là điều kiện tốt để phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, với điều kiện của một tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của người dân còn thấp, đặc biệt là 6 huyện 30a và các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện vùng thấp. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và có những cơ chế chính sách phù hợp thì việc phát triển các gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm khó có thể phát triển. Bởi nhiều năm qua, dù tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi lợn và gia cầm có bước phát triển nhưng do nhiều yếu tố và đặc biệt là sự chủ động sử dụng nguồn lực kinh tế của các gia đình để phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại trên địa bàn tỉnh là không nhiều; sản lượng thịt lợn và thịt gia cầm cung ứng ra thị trường hàng năm thấp, chỉ đáp ứng lần lượt trên 40% vớt thịt lợn và trên 60% với thịt gia cầm.
Đánh giá rõ thực trạng phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm hàng hóa và nhìn nhận tiềm năng phát triển, thúc đẩy người dân phát triển kinh tế, tỉnh ta đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Phương án thí điểm phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi lợn và gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, nhằm tháo gỡ những khó khăn và tạo động lực cho các địa phương, người dân phát triển các gia trại chăn nuôi lợn và gia cầm trong thời gian tới. Đây cũng được coi là giải pháp giúp cho chăn nuôi lợn và gia cầm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nội tỉnh. Để có thể triển khai hiệu quả Phương án này, Dự thảo Phương án đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ từ mua con giống đến xây dựng chuồng trại, trang thiết bị và tập huấn kỹ thuật. Trong đó phải kể đến một số cơ chế như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn mua giống lợn thương phẩm để chăn nuôi lợn thịt, quy mô từ 50 con trở lên đối với gia đình và 300 con trở lên đối với tổ chức, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1,5 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ tối đa 24 tháng và mức hỗ trợ không quá 500 con; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn mua giống gia cầm thương phẩm lấy thịt hoặc trứng quy mô từ 500 con trở lên, mức hỗ trợ lãi suất không quá 15.000 đồng/con, thời gian hỗ trợ 12 tháng và mức hỗ trợ không quá 3.000 con...
Tuy nhiên, để định hướng phát triển các trang trại, gia trại gia súc, gia cầm đến với người dân; cấp ủy, chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện hiệu quả; khẳng định quyết tâm của tỉnh, trong Hội nghị “Bàn các giải pháp đẩy mạnh phát triển gia trại gia súc – gia cầm...”, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Các địa phương cần ban hành Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện cụ thể cho cả giai đoạn 2017 – 2020; tùy điều kiện của các địa phương, ít nhất phải tự cung ứng 50% sản lượng thịt lợn và 70% sản lượng thịt gà; tập trung nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ cho các chương trình gia trại chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; tập trung đào tạo nghề và sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm; nghiên cứu xây dựng cơ chế cho người dân tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp tham mưu cho tỉnh phân rõ từng vùng sản xuất, cung ứng giống, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với nhiệm vụ của Trung tâm Giống KHKT trực thuộc sở...
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc