Hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế ở xã Bạch Đích
BHG- Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Đích (Yên Minh) đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định; đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Mô hình nuôi gà của gia đình anh Sần Thanh Viện cho thu nhập cao. |
Tới thăm gia đình anh Sần Thanh Viện, một đoàn viên trẻ người dân tộc Nùng ở thôn Lùng Vái, xã Bạch Đích; trước mắt chúng tôi là cơ ngơi tương đối khang trang với đầy đủ tiện nghi. Vừa luôn tay đảo vữa để xây thêm 2 ngăn chuồng nuôi lợn, anh Viện chia sẻ: “Gia đình có lợi thế là nhiều đất canh tác, nên nguồn thức ăn chăn nuôi không lo bị thiếu. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi gà, tôi đã mạnh dạn vay mượn họ hàng và tích góp vốn để phát triển chăn nuôi. Có thời điểm, gia đình nuôi gần 400 con gà mía và giống gà địa phương; gà có trọng lượng 1,5-1,8 kg là được xuất bán”. Được biết, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, vì giống gà này ngon và chắc thịt; được nhiều người ưa chuộng nên thương lái tìm đến tận nhà để mua chứ không phải đem ra chợ bán như trước. Giá gà anh Viện đang bán ra thị trường là 130 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa anh cũng thu được gần 20 triệu đồng. Cùng với nuôi gà, anh Viện nuôi thêm lợn nái, hiện gia đình anh đang có 2 lợn nái đẻ và 3 lợn sắp sinh. Quy mô chăn nuôi của gia đình ngày càng lớn, do đó hệ thống chuồng trại được anh Viện xây dựng theo hướng khép kín, vừa vệ sinh lại có hiệu quả. Ngoài sử dụng ngô, thóc sẵn có; anh kết hợp sử dụng thêm cám công nghiệp. Qua một thời gian sử dụng cho thấy hiệu quả rõ rệt, đàn gà, lợn tăng trưởng nhanh, ít bệnh; sử dụng ở mức vừa phải nên chất lượng vẫn được đảm bảo”. Có thể nói, mô hình chăn nuôi của anh Viện đang được hình thành theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Sinh Giáp, Bí thư Đoàn xã Bạch Đích; chúng tôi thăm mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình chị Mùng Thị Thơm ở thôn Bản Muồng 1. Nhận thấy điều kiện thuận lợi để trồng cây ăn quả, gia đình chị Thơm “phủ kín” hơn 2 ha đất bằng các loại cây ăn quả như xoài, vải, bưởi, lê, hồng không hạt... Toàn bộ diện tích cây ăn quả của gia đình đã cho thu hoạch từ 3 năm nay, mùa nào thức nấy; sau mỗi vu, chị thu được 20 triệu đồng mỗi loại. Đang vào vụ bưởi, từ tháng 9 đến nay, chị đã thu được 8 triệu đồng. Kết hợp với trồng cây ăn quả, gia đình chị Thơm đang nuôi 25 con lợn thịt với hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín. Bên cạnh đo, chị nuôi thêm gần 100 con ngan, gà. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, chị Thơm ủ phân vi sinh từ thân cây lạc, đỗ, rơm rạ với phân chuồng; nguồn phân này rất tốt cho cây ăn quả, lại tiết kiệm. Mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình chị Thơm đã giúp gia đình chị từ một hộ nghèo trở thành hộ điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp” và đang được xã Bạch Đích chọn làm mô hình tiêu biểu để nhân rộng trong thời gian tới.
Còn mô hình chăn nuôi của anh Lù Vùi Sên ở thôn Bản Muồng 5 cũng là một điển hình, gia đình anh Sên kết hợp giữa trồng lúa, ngô, sắn để phục vụ chăn nuôi và trồng rau xen canh tăng vụ. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng nuôi khoảng từ 30 - 40 con lợn thịt và lợn sinh sản. Ngoài ra, gia đình anh có gần 1.000 m2 đất để trồng cỏ để nuôi 5 con trâu, 2 con bò hàng hóa. Cũng giống gia đình chị Thơm, gia đình anh Sên cũng đang áp dụng phương pháp ủ phân vi sinh để trồng rau, bón ruộng; cùng với đó, gia đình còn nấu rượu, tận dụng bỗng để nuôi lợn, gà. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Sên cũng thu lãi từ 80-90 triệu đồng/năm. Nhờ đó, anh có điều kiện nuôi các con ăn học, cải thiện đời sống của gia đình.
Đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư Đảng ủy xã Bạch đích cho biết: “Hiện, các mô hình kinh tế đang được hình thành khắp các thôn, xóm của xã. Chủ yếu vẫn là phát triển kinh tế gia đình và dần hình thành theo hướng hàng hóa. Với lợi thế là xã biên giới, nên rất thuận lợi cho giao thương. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả như: Chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi trâu, bò hàng hóa,... đẩy mạnh việc áp dụng KH-KT vào sản xuất”.
Với việc thực hiện nhiều “điểm mới” trong phát triển kinh tế như chăn nuôi khép kín, ủ phân vi sinh,... một số mô hình ở xã Bạch Đích đã phát huy sức mạnh về lợi thế chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập ổn định. Đây là hướng đi lâu dài được chính quyền xã thực hiện gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu.
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc