Động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Quản Bạ
BHG - Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm huyện Quản Bạ vẫn dùng một phần kinh phí khá lớn để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng như: Rau, dược liệu, hồng không hạt, ngựa, dê... Từ đó, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh sản xuất, tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng về số lượng và chất lượng, HĐND huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết số 35 nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với các loại cây, con có tiềm năng như: Hỗ trợ giống ngô lai theo hình thức 5 cùng với kinh phí 932,3 triệu đồng; hỗ trợ mua phân bón hóa học 2.003,03 triệu đồng; phân bón hữu cơ trồng dược liệu 117,5 triệu đồng; trồng cỏ xung quanh khuôn viên gia đình 13,88 triệu đồng; trồng Hồng không hạt 548 triệu đồng; trồng cây Tam giác mạch phục vụ du lịch 60 triệu đồng; mua nilon che phủ cây dược liệu 7,44 triệu đồng; mua nilon che phủ cho cây khoai tây 44,19 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa 500 triệu đồng... đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thành hộ khá, giàu.
Mô hình trồng cây dược liệu ở xã Quyết Tiến. |
Thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận là vùng tập trung trồng cây Hồng không hạt với diện tích khá lớn. Hộ chị Mai Thị Xuân là gia đình có số lượng hồng lớn nhất ở đây với diện tích hơn 1 ha, hàng năm đều thu được số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhờ sự phát triển của du lịch mà nhiều người biết đến loại hồng đặc sản của địa phương, giúp giá quả hồng năm nay tăng cao hơn so với năm trước đến vài chục nghìn đồng. Đây cũng là nội dung hỗ trợ đầu tư được đánh giá là hiệu quả trong các cơ chế đầu tư của huyện khi cây hồng mang về thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Bên cạnh cây hồng, huyện cũng hỗ trợ giống ngô lai theo hình thức 5 cùng đã làm tăng diện tích gieo trồng lên 1.423,07 ha ngô lai. Nhìn chung các điểm đều thực hiện đúng quy trình, nhiều hộ dân đã nắm được những ưu điểm trong việc cùng làm đất, cùng giống và áp dụng KHKT vào sản xuất. Theo đánh giá, tại các điểm xã Quyết Tiến, Đông Hà, thị trấn Tam Sơn năng suất ngô đạt 47,8 tạ/ha, tăng 3 tạ so với trồng ngô đại trà. Qua nhiều năm triển khai giống ngô lai và 2 năm gần đây thực hiện hỗ trợ giống ngô lai theo hình thức 5 cùng, tỷ lệ đưa giống ngô lai vào sản xuất đạt trên 60%.
Chính sách hỗ trợ chăn nuôi dê hàng hóa ở 2 xã Thái An, Nghĩa Thuận với số tiền đầu tư là 300 triệu đồng, đã giúp các hộ đã mua thêm được 155 con giống, mô hình đang phát huy tốt. Hay hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng cho 10 hộ ở xã Thanh Vân, Quản Bạ mua được 10 con ngựa giống, giúp nông dân bước đầu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Nhờ sự hỗ trợ của huyện mà HTX Ngựa cao nguyên được thành lập ở xã Thanh Vân. Anh Giàng Mí Pao, Giám đốc HTX ở thôn Lùng Cúng, chia sẻ: “HTX có 9 hộ tham gia góp vốn để phát triển sản phẩm là đàn ngựa; các hộ đều được huyện hỗ trợ tiền mua thêm ngựa giống theo hình thức đầu tư có thu hồi. Nhờ có HTX mà quy mô chăn nuôi của các hộ tăng lên; cách phát triển cũng có quy củ hơn so với trước đây tự nuôi ngựa”.
Ngoài ra, còn những nội dung đầu tư có hiệu quả khác như trồng hoa Tam giác mạch phục vụ du lịch, giúp người dân phát triển các dịch vụ du lịch. Hỗ trợ mua phân bón, từ đó nông dân có thêm kinh phí để đầu tư phân bón phục vụ cho việc thâm canh tăng năng suất cây trồng; ngoài việc hỗ trợ theo định mức, các hộ còn mua thêm lượng phân bón hóa học để sản xuất. Qua các cơ chế hỗ trợ này, huyện đã đảm bảo an ninh lương thực, có một số sản phẩm nông nghiệp được chế biến, xuất đi thị trường trong và ngoài nước như: Rau sạch xuất khẩu đi Đài Loan, Trung Quốc; cao Atiso; Hồng không hạt; Đương Quy khô; mật ong... ; làm tăng giá trị của các loại cây, con đặc sản địa phương.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc