"Cầu nối" nghị quyết với nông dân
Xuân 2017 - Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND (gọi tắt là Nghị quyết 209), về việc “Ban hành Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh”, áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp. Trước thềm Xuân mới, Phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Hà Giang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) tỉnh về quá trình thực hiện Nghị quyết 209 trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Agribank Hà Giang tặng quà cho Trường Mầm non Hoa Sen (Bắc Mê) nhân Lễ khánh thành công trình nhà lớp học của trường- công trình do Agribank tài trợ. Ảnh: Chu Mạnh Hải |
Phóng viên (PV): Là một trong những ngân hàng chủ lực, xin đồng chí cho biết quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 209 trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua của Agribank Hà Giang ?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải:
Ngay sau khi Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND được ban hành, Agribank Hà Giang đã xác định đây là cơ hội để chi nhánh mở rộng, tăng trưởng tín dụng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại tới người dân, đồng thời còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Với nhận thức sâu sắc đó, chi nhánh đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Cụ thể:
Thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209; Xây dựng Chương trình hành động cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, trong đó có nội dung rút ngắn thời gian thẩm định cho vay so với quy định của Agribank. Phối hợp cùng Quỹ Đầu tư, phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng của tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Thỏa thuận hợp tác trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh đối với đối tượng theo Nghị quyết 209.
Agribank đã huy động tối đa lực lượng cán bộ (kể cả lãnh đạo), và cơ sở vật chất hiện có, đặc biệt là cán bộ tín dụng cho từng Chi nhánh huyện, Phòng Giao dịch. Tranh thủ tối đa thời gian (cả thứ 7, Chủ nhật) để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung, mục tiêu của nghị quyết. Các cán bộ Agribank tổ chức tuyên truyền Nghị quyết 209 kết hợp với phổ biến, cung cấp các thông tin về quy trình, điều kiện, thủ tục vay vốn đến tận các xã, thị trấn trong toàn tỉnh; phối hợp với Tổ thẩm định của huyện, thành phố để thẩm định cho các hộ đã đăng ký vay vốn. Đồng thời, thực hiện giải ngân tại trụ sở UBND 36 xã; kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay đối với các hộ đã được giải ngân; thường xuyên thỉnh thị, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và ngân hàng cấp trên nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.
Từ nghị quyết mà nhiều người dân đã tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tính đến ngày ngày 30.11.2016, Chi nhánh đã thực hiện cho vay đối với tất cả các chính sách của Nghị quyết 209, gồm: sách hỗ trợ đối với cây chè, cây cam. cây dược liệu, chăn nuôi trâu, bò, ong... Dư nợ đến ngày 30.11.2016 là 155.359 triệu đồng, cho 1.839 khách hàng vay vốn.
Lãnh đạo Agribank kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở Phòng giao dịch tại Hội sở. Ảnh: Hoa Sim |
PV: Vậy, kinh nghiệm của Agribank Hà Giang trong triển khai thực hiện Nghị quyết 209 một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải:
Kinh nghiệm của Agribank Hà Giang qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 209 trên địa bàn tỉnh, đó là:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, lựa chọn quy định cho vay có lợi nhất cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 209; chủ trương, định hướng, quy hoạch phát triển các ngành nghề nông thôn, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người dân vay vốn để phát triển kinh tế và nâng cao ý thức về trách nhiệm trả nợ vay.
Hai là, cần có sự tập trung lãnh đạo, sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng, chỉ đạo thống nhất của chính quyền các cấp, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa chính quyền cơ sở, các ngành và ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Ba là, căn cứ tình hình thực tế của địa phương cần sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện; áp dụng triển khai theo hình thức Làm đến đâu, hoàn chỉnh và hiệu quả đến đó, với phương thức đồng bộ giữa triển khai với thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ mục đích, hiệu quả sử dụng vốn vay; kịp thời điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Agribank Hà Giang trao tặng 5 tỷ đồng của Agribank cho huyện Mèo Vạc để xây dựng trường Mầm non xã Khâu Vai. Ảnh: Quỳnh Lưu |
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, chương trình trọng tâm và giải pháp của Agribank để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 209 trong năm 2017?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải:
Mục tiêu của Agribank Hà Giang trong năm 2017, đó là: Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đầu tư tín dụng, cung ứng sản phẩm dịch vụ tiện ích, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 209 nói riêng, trên địa bàn tỉnh. Chủ động cân đối nguồn vốn, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách của Nghị quyết 209 nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Agribank.
Trên cơ sở đó, Agribank Hà Giang đưa ra các giải pháp để thực hiện, gồm:
Một là: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ của chi nhánh.
Hai là: Phát huy vai trò của Tổ chỉ đạo thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của chi nhánh, nhằm tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả nghị quyết.Ba là: Tăng cường công tác huy động vốn, đa dạng các sản phẩm huy động vốn. Tổ chức thực hiện tốt các sản phẩm dịch vụ. Xác định công tác huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Bốn là: Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để thực hiện có hiệu quả việc thẩm định cho các hộ đăng ký vay vốn; giải ngân tại trụ sở UBND xã, thông qua Tổ cho vay lưu động; kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay đối với các hộ đã được giải ngân, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp tín dụng đối với khách hàng.
Năm là: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay so với quy định của Agribank; tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho khách hàng trong việc cung cấp, thiết lập hồ sơ vay vốn, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Sáu là: Không ngừng nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Đảng viên, cán bộ công nhân viên trong toàn chi nhánh.
Bảy là: Phối hợp với UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Hà Giang và các sở, ban ngành thực hiện tốt công tác tổng kết, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 209 trong toàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Mở rộng SXKD, từ nguồn vốn Agribank, ông Nguyễn Đức Kim (bên trái) mời khách thưởng trà và giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời 1 của gia đình tại thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang). Ảnh: THU PHƯƠNG |
Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh (áo nâu vàng), thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh được Agribank Yên Minh giải ngân vốn để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209. Ảnh: Duy Tuấn |
Đặng Hà An (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc