Agribank Quản Bạ: Cho vay theo Nghị quyết số 209, khuyến kích phát triển sản xuất
BHG- Trong năm qua, thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, Agibank Quản Bạ đã giải ngân hàng tỷ đồng, giúp các hộ nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao này. Là hợp tác xã (HTX) đầu tiên vay vốn của Agribank theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để phát triển sản xuất dược liệu, anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nậm Đăm (Quản Bạ), cho biết: “HTX mới thành lập được vài năm, chúng tôi còn đang thiếu rất nhiều vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách hỗ trợ của tỉnh đã trở thành nguồn lực giúp đỡ HTX một cách kịp thời”. Với số vốn vay 500 triệu đồng từ Agribank, HTX đã xây dựng một nhà xưởng sản xuất, sơ chế Đương Quy khô, công suất 1 tấn và chế biến cao Atiso. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư làm một vườn ươm giống dược liệu rộng 1.200 m2. Không chỉ riêng HTX Nậm Đăm, mà còn rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Quản Bạ phát triển chăn nuôi trâu, bò, ong cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi này.
Nhà xưởng sản xuất chế biến dược liệu của HTX Cộng đồng Nậm Đăm (Quản Bạ) từ nguồn vốn Agribank. |
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, theo lãnh đạo Agribank Quản Bạ: Agribank Chi nhánh huyện Quản Bạ đã triển khai đến toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị các văn bản về cơ chế chính sách theo chủ trương của HĐND-UBND tỉnh và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank và UBND huyện Quản Bạ. Ngay sau khi Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh có hiệu lực, Agribank huyện Quản Bạ và các cơ quan, ban, ngành trong huyện đã tuyên truyền và triển khai sâu rộng đến người dân tại các xã, thị trấn nắm bắt được chủ trương chính sách của Nghị quyết. Tính đến tháng 12. 2016, Agribank đã thẩm định và giải ngân được 16.972 triệu đồng, cho 252 hộ vay vốn.
Nhằm hạn chế quá trình di chuyển và đảm bảo an toàn tài sản, đồng vốn vay đối với các khách hàng, Agribank đã thực hiện giải ngân tại 11 trụ sở UBND các xã, thị trấn. Từ nguồn vốn của ngân hàng, các hộ đã mua được 181 con trâu, 478 con bò, sửa chữa được 37 chuồng trại, đầu tư 270 tổ ong. Các gia đình khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã tổ chức sản xuất, chăn nuôi, tạo hiệu quả vốn vay luân chuyển liên tục, làm tăng quy mô tổng đàn tại mỗi hộ, khả năng tích lũy vốn làm ăn tăng lên, có tính hiệu quả lan truyền.
Từ đó, khuyến khích những hộ có tiềm năng nhưng thiếu nguồn vốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này để phát triển kinh tế có quy mô lớn hơn. Đặc biệt, đã xuất hiện những hộ muốn phát triển kinh tế theo mô hình lớn, tập trung với quy mô từ 30 đến 50 con trâu, bò và trồng dược liệu với quy mô 10 ha... Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ từ 1- 2 con trâu, bò sang quy mô lớn hơn từ 10 - 20 con trâu, bò; hoặc các hộ, cá nhân liên kết với nhau tạo ra quy mô sản xuất tập trung, làm ra giá trị cao hơn. Đồng hành cũng với bà con vùng cao, Agribank đã phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được vay vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc